Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, tham quan và học tập tại Kyoto

0
347

Theo chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Đại học Huế với Đại học Kyoto, đây là lần thứ 2 đoàn cán bộ và sinh viên trường Đại học Nông lâm Huế được mời và tham quan học tập tại Nhật bản trong thời gian từ ngày 28.08.2010 đến ngày 08.09. 2010. Thời gian tham quan học tập không dài nhưng đã để lại cho đoàn chúng tôi những ấn tượng, kỷ niệm, bài học không thể nào quên về đất nước hoa anh đào tươi đẹp, mến khách và hiện đại.

 

Từ thành phố Huế đến thành phố Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi tiếp tục đi Kan Sai trên chuyến chuyên cơ VN 940, sau 5 giờ bay đoàn chúng tôi đã đến được đất nước Nhật Bản. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi xuống sân bay Kan Sai là vui mừng trước sự đón tiếp niềm nở, chu đáo của những người được phía bạn mời giúp hướng dẫn chúng tôi về trường kết nghĩa bằng taxi. Sau 3 giờ đồng hồ rong ruổi trên những con đường nườm nượp xe cộ nhưng rất trật tự, an toàn.

Đến trường Đại học Kyoto, chúng tôi đã cảm động nao lòng khi nhận được sự đón tiếp chu đáo, nồng nhiệt của quý thầy cô và các bạn sinh viên ở đây. Chúng tôi đã được nghe giới thiệu về trường, về các khoa và được tham quan khoa nông nghiệp, khoa công nghệ thông tin, khoa nghiên cứu về môi trường toàn cầu, Nhà truyền thống của trường và các phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm là nơi nghiên cứu học tập của sinh viên Đại học, các học viên Cao học và Nghiên cứu sinh. Tại đây các sinh viên, các học viên có thể chia sẽ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và các học viên có thể đến phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào. Có thể nói ở đây là một môi trường nghiên cứu, học tập rất tốt cho bất cứ ai muốn trở thành thành viên Đại học Kyoto.

 

Trong ngày đầu tiên này chúng tôi cũng được mời tham dự tiệc gặp mặt ở nhà hàng sang trọng trong khuôn viên trường với sự tham gia của hơn 80 người trong không khí thoải mái, cởi mở. Ngày hôm sau đoàn chúng tôi được mời tham dự buổi Seminar với các anh chị sinh viên , học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt nam đang theo học và nghiên cứu ở đây cùng với các giáo sư trường Đại học Kyoto. Qua các bài thuyết trình và thảo luận của các anh chị chúng tôi hiểu hơn về môi trường sống và học tập của người Việt nam ở Kyoto cũng như các chương trình đào tạo ở đây. Những ngày ngày tiếp theo đoàn của chúng tôi được nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Kyoto đưa đi tham quan các ngôi đền, chùa cổ trong thành phố như chùa vàng, chùa đá, chùa gỗ,…tham quan các khu phố cổ, các siêu thị và mua sắm…và không quên thưởng thức các món ăn ngon, mang đậm bản sắc truyền thống của Nhật Bản như Shusi …

 

Sau 4 ngày dừng chân ở Đại học Kyoto đoàn của chúng tôi hành trình đến thành phố Saijo với chặng đường dài khoảng 350km. Từ Kyoto đến Saijo chúng tôi di chuyển bằng xe Bus và được dừng chân ở những trạm dừng rất lý tưởng. Tại các điểm dừng mọi người có thể mua sắm, giải khát, vệ sinh …và hầu như quên đi sự mệt mỏi. . Đến thành phố Saijo đoàn của chúng tôi nhận được sự đón tiếp rất trọng thể của thị trưởng và các cán bộ cao cấp khác của thành phố này.

 

đây đoàn chúng tôi được đi tham quan xưởng đóng tàu rất lớn với những con tàu có trọng lượng lên đến 180.000 tấn và tại đây chúng tôi còn được tham quan Viện bảo tàng dân tộc với những công cụ sản xuất và vật dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương vào những thời kỳ trước đây và cả những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Nhật bản, được tham quan các hệ thống sản xuất nông nghiệp của Saijo.

 

Có thể nói hệ thống sản xuất nông nghiệp ở đây rất hiện đại và mang tính hợp tác cao. Khoảng 5-6 hộ nông dân lập thành một nhóm người hợp tác tham gia sản xuất. Họ đóng góp tiền mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: Máy làm đất, máy gieo hạt, …máy chế biến và bảo quản nông sản. Hệ thống thủy lợi của Saijo cũng đạt trình độ cao. Các ô ruộng đều có van xả tự động vào ruộng, từ túi nước ngầm dưới lòng đất có thể dùng uống trực tiếp khi khát. Đoàn chúng tôi còn được thăm và nghỉ lại ở làng Ofuki cách thành phố Saijo khoảng 30km. Làng này có khoảng 3000 người sinh sống với tuổi thọ trung bình 70 tuổi. Hầu hết người trẻ và con cháu của người dân trong làng đều sống ở thành thị. Làng có 1 trường cấp 2 nhưng hiện nay đã phải đóng cửa vì không có học sinh, dù rằng trường được xây dựng khang trang với các công cụ và trang thiết bị giảng dạy rất tốt và đầy đủ. Đoàn chúng tôi cũng đã nghỉ lại giao lưu văn nghệ, ăn tối cùng người dân trong làng và Chúng tôi không bao giờ quên được văn hóa ẩm thực do các cụ trong làng chế biến.

Sau 3 ngày ở Saijo đoàn của chúng tôi tiếp tục hành trình đến thành phố Hiroshima, thành phố bị bom nguyên tử tàn phá cách đây 55 năm. Ở đây chúng tôi được xem phim tài liệu về trận ném bom nguyên tử vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 của Mỹ và được cụ bàMiyoko Matsabara là nhân chứng sống của cuộc chiến tranh kể về vụ nổ bom hôm ấy. Vào năm 1945 bà mới 13 tuổi nay bà đã ở tuổi 78 nhưng trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Bà cho chúng tôi biết trước năm 1945 nhà cửa thành phố hầu hết là những nhà bằng gỗ truyền thống rất đẹp, cuộc sống người dân rất yên bình, nhưng khi quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố đã bị sang phẳng, hết sức điêu tàn. Những người may mắn sống sót được bị thương tích rất nặng và nhiễm phải chất phóng xạ và là gánh nặng cho xã hội sau chiến tranh. Tuy nhiên chỉ 55 năm xây dựng và phát triển, Hiroshima hiện nay đã trở thành thành phố công nghiệp với hệ thống giao thông và dịch vụ công cộng hoàn hảo.

 

Sau 2 ngày ở Hiroshima đầy ấn tượng đoàn chúng tôi quay về Đại học Kyoto và chia sẽ lại kết quả của chuyến đi cho những người tổ chức chương trình và những người quan tâm khác, cũng như chuẩn bị cho chuyến bay về lại Việt nam; kết thúc chuyến tham quan và học tập tại Nhật bản.

Là những cán bộ, sinh viên, nhưng chúng tôi có may mắn là được tham quan, học tập tại trường Đại học Kyoto, đến thăm đất nước Nhật bản. Chúng tôi vô cùng biết ơn những gì mà Thầy và trò trường Đại học Kyoto đã dành cho đoàn chúng tôi, cảm ơn Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, đã tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho chuyến đi của chúng tôi thành công một cách tốt đẹp, giúp chúng tôi hiểu thực tế hơn, sâu sắc hơn về đất nước và con người Nhật bản, về hệ thống giáo dục Đại học, cách thức học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên ở đất nước có trình độ phát triển cao. Và điều đó cũng đặt ra rất nhiều suy nghĩ cho chúng tôi khi đang còn là thành viên của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Một số hình ảnh tham quan và học tập của đoàn cán bộ và sinh viên trường Đại học nông lâm Huế tại Kyoto:


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here