13 giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ cao

0
65

Trong bối cảnh đại khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam muốn từng bước ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo tiền đề bước vào giai đoạn phát triển mới với chất lượng cao hơn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ đặc biệt là ứng dụng CNC vào một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là một yếu tố hết sức quan trọng.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đó. Cuộc hội thảo Đào tạo nhân lực CNC theo nhu cầu xã hội do Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức vừa qua tại Bình Dương nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Thực trạng …
Từ đầu những năm 1990, chúng ta đã tập trung nguồn lực vào phát triển 4 lĩnh vực CNC là công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ vật liệu mới và tự động hóa (CNVLM&TĐH) qua nhiều chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và một số chương trình kinh tế kỹ thuật với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu để tiến tới làm chủ các công nghệ nhập tiên tiến, sáng tạo công nghệ trong nước phục vụ các ngành kinh tế quốc dân và đã làm chủ được một số CNC trong các lĩnh vực điện tử-tin học-viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, công nghệ tạo giống cây trồng vật nuôi, y tế… Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long: Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà mới chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố CNC nào đó mang tính chuyên ngành, CNC hầu như còn vắng bóng ở hầu hết các ngành kinh tế. Theo khảo sát của Sở KH&CN TP.HCM, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đều nhập các thiết bị lạc hậu, xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, và ngay cả một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng sử dụng những thiết bị có trình độ công nghệ ở mức trung bình.

 

Khái niệm nhân lực công nghệ cao
Theo qui định của Luật CNC thì Nhân lực CNC được hiểu “đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng CNC, dịch vụ CNC, quản lý hoạt động CNC, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm CNC”. Trong cơ cấu nhân lực CNC, những chuyên gia, nhà khoa học… chỉ chiếm khoảng từ 5-10%, còn lại là công nhân, kỹ thuật viên, lao động phổ thông.

Thực trạng này do một số nguyên nhân như phát triển CNC đòi hỏi chi phí rất lớn trong khi đầu tư cho nghiên cứu phát triển của ta còn thấp, các hướng nghiên cứu chưa được định hướng đúng, chưa có mối liên kết chặt chẽ trong nghiên cứu triển khai giữa viện, trường và các doanh nghiệp… nhưng trước hết là do nguồn nhân lực CNC còn thiếu, yếu về năng lực thực hành, mà việc chúng ta không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về nhân lực để Intel triển khai xây dựng nhà máy tại Việt Nam và việc cho đến nay hầu như chưa có nhân lực để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân là những ví dụ điển hình. Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cho biết, theo điều tra tiềm lực KH&CN năm 2006 của Bộ KH&CN, tuổi đời của cán bộ khoa học khá cao, trong đó giáo sư và phó giáo sư gần 60 tuổi, số dưới 50 tuổi chỉ có 12%. Số lượng tiến sĩ là hơn 10.000 người nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế rất thấp. Chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Đặc biệt là thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư. Điều đáng lưu ý nữa là cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối nghiêm trọng giữa công nhân, kỹ sư thực hành, bộ phận quản lý giữa các ngành KHCN so với kinh tế và KHXH&NV.

… và giải pháp
Trong hoàn cảnh hiện nay của ta, để ứng dụng và phát triển CNC trong một số lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trước hết cần phải chuyển giao và ứng dụng nhanh công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam; có cơ chế chính sách phù hợp để nghiên cứu sáng tạo CNC trong nước với chi phí thấp (thực tế ở TP.HCM năm 2002 các nhà khoa học đã thiết kế chế tạo được 50 thiết bị bán cho các doanh nghiệp với giá chỉ bằng 10% đến 60% giá nhập, tiết kiệm được hơn 50 tỉ đồng so với nhập khẩu); tiếp đến là các viện nghiên cứu, trường ĐH tiếp nhận CNC cần có giải pháp phổ biến rộng CNC đó cho các ngành kinh tế và nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực CNC đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các giải pháp này chỉ có thể mang lại hiệu quả khi có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa viện, trường và các doanh nghiệp và có một chính sách phát triển nguồn nhân lực CNC căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội thảo lần này, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cùng các DN lớn và một số trường đại học uy tín đã tổ chức ký kết hợp tác đào tạo về nhân lực CNC cho một số ngành trọng điểm với tầm nhìn 2015-2020. 

Ngoài những chính sách đối với nhân lực CNC trước đây đã được thể hiện trong các văn bản Luật, trong tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cho rằng cần bổ sung và cụ thể hóa một số chính sách có tính đột phá như chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học (kể cả những nhà khoa học Việt kiều), chính sách hỗ trợ kinh phí từ các quỹ đào tạo nhân lực CNC theo các dự án, đề tài… đặc biệt là chính sách xã hội hóa đào tạo với chủ thể là sự liên kết chặt chẽ giữa viện-trường-doanh nghiệp. Một ví dụ cụ thể cho sự liên kết này là dự án khu đô thị Đại học Bình Dương với diện tích 630ha nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương đến năm 2020 và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam do UBND tỉnh Bình Dương giới thiệu tại hội thảo.
Để đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2020 có được số lượng lớn nhân lực CNC đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần nỗ lực thúc đẩy các chương trình đào tạo CNC hiện có và quyết tâm xây dựng những chương trình mới. Theo đó, Phó Thủ tướng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể hóa về đào tạo nhân lực CNC.
P.V

 

 

13 giải pháp đào tạo nguồn nhân lực CNC
1. Cụ thể hóa chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội của Chính phủ.
2. Khuyến khích và đẩy mạnh hình thành việc đào tạo có chất lượng quốc tế ở các trường đại học để có thể phục vụ được các nhu cầu đào tạo CNC.
3. Đẩy mạnh việc đào tạo theo hợp đồng, thử nghiệm các cơ chế đào tạo nhân lực cho tập đoàn Intel.
4. Khẩn trương đưa trung tâm hỗ trợ  đào tạo, cung cấp nhân lực của Bộ GD&ĐT vào hoạt động.
5. Sớm hình thành các chuỗi phòng thí nghiệm trong cả nước, qua đó để có thể chuyển giao công nghệ nhanh cho các doanh nghiệp.
6. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thành lập trường học trên cơ sở Nghị định 69 của Chính phủ.
7. Hình thành và tiếp tục phát huy các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động.
8. Đẩy mạnh chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ, đặc biệt chú ý tỷ lệ của nhóm ngành CNC.
9. Xây dựng chính sách để khuyến khích nhân tài đi đào tạo ở nuớc ngoài sau đó trở về xây dựng khoa học CNC.
10. Hình thành các phương tiện thông tin đặc thù như tạp chí, bản tin chuyên ngành để có sự giao lưu giữa nhà đào tạo và các DN có nhu cầu đào tạo.
11. Sẽ tiến hành hội nghị quốc gia hằng năm về CNC, gắn nghiên cứu, đào tạo với sử dụng của DN trong nước và quốc tế.
12. Có cơ chế khen thưởng trong lĩnh vực này, khen thưởng các nhà khoa học, các  nhà trường và các DN đã đóng góp công sức vào đào tạo CNC.
13. chương trình, cơ chế  khuyến khích Việt kiều, các nhà khoa học và doanh nghiệp nước ngoài đến hỗ trợ đào tạo CNC ở Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here