Những con đường vươn tới công nghệ cao

KTNT – Trong khi một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao được Nhà nước đầu tư tiền tỷ nhưng hiệu quả mang lại không cao thì ở nhiều địa phương, nông dân cũng bắt đầu tiếp cận nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt và biện pháp canh tác hiện đại. Từ thực tế sản xuất của nông dân, thấy có nhiều cách làm nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả mà ít tốn kém.

Trồng hoa trong nhà lưới, một bước đi hướng tới nông nghiệp công nghệ cao của nông dân Tây Tựu (Từ Liêm-Hà Nội).


Bài 1: Nhìn từ những mô hình điểm

Đến với công nghệ từ thông tin báo chí

Tây Tựu (Từ Liêm) được coi là “vựa” hoa của Thủ đô, cung cấp lượng hoa lớn cho thị trường. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đứng trên mảnh đất này là hệ thống nhà lưới mọc lên ngày càng nhiều, những loại hoa cao cấp cũng theo nhau về Tây Tựu.

Thăm khu ruộng của chị Nguyễn Thị An ở thôn 3 được giăng kín bởi hệ thống nhà lưới hoành tráng, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước những luống hoa đồng tiền đủ màu sắc. Chị An cho biết: “Hoa đồng tiền chịu nắng rất tốt, nhưng mưa là chết. Qua xem tivi, thấy giới thiệu mô hình nhà lưới, vợ chồng tôi cũng quyết đầu tư làm nhà cho hoa. Tuy vốn đầu tư ban đầu hơi cao (10 triệu đồng cho 3.600m2) nhưng bù lại chúng tôi trồng được các loại hoa cao cấp, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Trồng hoa trong nhà lưới, một bước đi hướng tới nông nghiệp công nghệ cao của nông dân Tây Tựu (Từ Liêm-Hà Nội).

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 2 cũng học mót từ các gia đình đi trước để dựng nhà lưới. Chị bảo: “Quả thực không thể phủ nhận hiệu quả mà nhà lưới mang lại, cây cũng giống như người, nếu mưa nắng được che chắn, sẽ khỏe mạnh tốt tươi, cho hoa đẹp. Trồng hoa trong nhà lưới vừa tiết kiệm được nước tưới, phân bón mà lại hạn chế được sâu bệnh gây hại. Do đó, lượng thuốc trừ sâu giảm 70% so với trồng hoa ngoài trời”. Ngừng tay cắt hoa, chị Tuyết nói thêm: “Nông dân chúng tôi thấy hiệu quả thì bảo nhau làm, cũng nghe nói là có dự án công nghệ cao sẽ triển khai trên địa bàn xã nhưng đến nay vẫn chưa thấy”.

Sản xuất đúng quy trình

Khác với Tây Tựu, xã Vân Nội (Đông Anh – Hà Nội) lại rất thành công với mô hình sản xuất rau an toàn. Tại đây, có tới 50 – 60 loại rau màu được đưa vào sản xuất. Khâu đầu tiên được người trồng rau nơi đây chú trọng là chọn đất. Đa phần đất trồng trọt ở Vân Nội đều xa khu công nghiệp, vùng nước thải, bệnh viện, gần nguồn thuỷ nông (sông Hồng). Đó là điều kiện cần để đảm bảo cho việc sản xuất rau an toàn.

Qua trò chuyện với bà con, chúng tôi thấy việc sử dụng phân bón hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo các hộ trồng rau lâu năm, dù phân hữu cơ hay hoá học đều phải sử dụng đúng liều lượng nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Mặt khác, khâu chọn giống cũng được bà con quan tâm, họ đều sử dụng giống của các công ty có uy tín.

Ngừng tay nhặt cỏ, chị Lê Thị Hoa ở thôn Đông Tây cho hay: “Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách, liều lượng trong sản xuất rau an toàn là yếu tố sống còn với chúng tôi bởi nếu xảy ra vấn đề gì sẽ mất uy tín. Chúng tôi luôn xem xét kỹ từng chủng loại rau để sử dụng thuốc đúng thời điểm nhằm mang lại hiệu quả, đặc biệt tránh hiện tượng nhờn thuốc. ít nhất 15 ngày sau khi bón phân chúng tôi mới thu hoạch để đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

Ông Trần Văn Thoan, Chủ tịch UBND xã Vân Nội cho biết: “Để việc sản xuất rau an toàn phát triển bền vững, xã đã xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn với tổng diện tích gần 220ha. Các tổ chức, đoàn thể trong xã đã đầu tư kinh phí hoàn thiện 9km đường điện ra tận ruộng, xây dựng trên 50.000m2 nhà lưới và tổ chức tập huấn cho nông dân về kiến thức sản xuất rau an toàn”.

Lâm Đồng, mảnh đất màu mỡ của nông nghiệp công nghệ cao

Hơn mười năm trước, không ai có thể hình dung Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), xã vùng sâu thuộc diện 135, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lại có thể trở thành trung tâm sản xuất chè chất lượng cao của tỉnh Lâm Đồng. Với ưu thế về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho cây chè và cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư của chính quyền huyện, chỉ trong một thời gian không dài, trên vùng đất nhỏ này đã có 13 nhà đầu tư (trong đó có 7 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) theo chân nhau vào mở trang trại, chủ yếu là trồng chè chất lượng cao.

Quy trình sản xuất sản phẩm chè Ô Long xuất khẩu của các doanh nghiệp được kiểm định nghiêm ngặt, khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu sạch đến chế biến, đóng gói sản phẩm. Nhờ bảo đảm được uy tín trên thị trường nên chưa có doanh nghiệp nào đang làm ăn tại đây gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Trên chính những diện tích đất canh tác manh mún, thậm chí từng bị bỏ hoang trước đây, các doanh nghiệp tại Lộc Tân đã thu về lượng ngoại tệ không nhỏ. Đồng thời, từ việc đi làm công trong các trang trại chè của các doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân ở Lộc Tân và các xã lân cận đã tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống chè quý và áp dụng thành công ở gia đình.

Khi tìm hiểu mức thu nhập của xã viên HTX nông nghiệp Xuân Hương (phường 9 – thành phố Đà Lạt), chúng tôi thực sự choáng khi biết mức lợi nhuận bình quân của sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới, đạt 500 triệu đồng/ha/năm, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Để đạt được mức bình quân này, ông Lê Văn Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX đã tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Toàn bộ diện tích rau hoa trong nhà kính, nhà lưới của xã viên HTX đều sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn hoặc tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, HTX hướng dẫn xã viên xây dựng nhà kính, nhà lưới theo đúng quy chuẩn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau, hoa cao cấp cho nông dân, cung ứng giống rau, hoa có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao cho xã viên, sử dụng hệ thống tưới phun tự động… Sản phẩm xuất vườn đều được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, dưới mức cho phép mới được đưa ra thị trường.

Năm 2004 là thời điểm Lâm Đồng chính thức triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh, đó là một trong sáu chương trình trọng điểm (sau đó bổ sung thành chín chương trình trọng điểm). Tính đến giữa năm 2009, Lâm Đồng đã có 3.300ha đất nông nghiệp canh tác bằng công nghệ mới, trong đó có gần 2.000ha ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, 1.200ha sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau, hoa đạt doanh thu cao chưa từng có như chè chất lượng cao đạt từ 160 – 250 triệu đồng/ha; ớt ngọt đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ; cá nước lạnh 4 – 5 tỷ đồng/ha/năm…

Ông Hoàng Sỹ Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như công tác quy hoạch, cải tạo giống, xây dựng các mô hình, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có hơn 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 160.000ha đạt doanh thu hơn 50 triệu đồng/ha/năm…”.

Thành tích nói trên đã tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy làm nông nghiệp của nông dân Lâm Đồng. Ở Lạc Dương, ngoài diện tích canh tác của nông dân trong huyện, tỉnh đã quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu, với diện tích 388ha. Hiện đã có 14 nhà đầu tư đăng ký hoặc đã trực tiếp sản xuất – kinh doanh tại khu quy hoạch này với tổng vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp nối những thành công bước đầu, Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ nâng diện tích rau, hoa, dâu tây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lên 3.500ha, chè chất lượng cao 4.200ha, tăng quy mô bò thịt chất lượng cao chiếm 10% tổng đàn, tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh; nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt bình quân từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó 15.000ha đạt doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên…

Bài 3: Làm nông nghiệp trên sa mạc