Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Cán bộ, Giảng viên, Sinh viên Khoa Tài nguyên Đất và MTNN đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Không chỉ số lượng được tăng lên mà chất lượng các đề tài cũng được nâng cao. Tuy mới chỉ là bước đầu, song các đề tài của CBGV và SV đã có xu hướng tập trung nghiên cứu để tiến tới đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng nghiên cứu.
Vào lúc 13h30 ngày 18/4/2008, tại Văn phòng Khoa đã tổ chức Hội nghị Khoa học công nghệ, giai đoạn 2005 – 2007, trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học công nghệ toàn trường. Khai mạc Hội nghị, TS. Lê Thanh Bồn, Trưởng Khoa đã tổng kết công tác NCKH trong giai đoạn 2005 – 2007.
Tại Hội nghị, có 5 đề tài được trình bày:
-
Đề tài “Đánh giá sự thích hợp đất đa tiêu chí cho cây trồng, dùng kỹ thuật GIS, trường hợp ví dụ tại xã Hương Bình” của TS. Huỳnh Văn Chương. Đánh giá đất đai không chỉ căn cứ vào các đặc tính tự nhiên của đất mà còn phải căn cứ vào các yếu tố kinh tế xã hội, đây là xu hướng mới của công tác đánh giá đất đai ở Việt Nam hiện nay.
-
Đề tài “Tính chất lý hóa học, khả năng đệm và nhu cầu bón vôi trên đất cát biển tỉnh Thừa Thiên Huế” của Th.s Trần Thanh Đức đã xác định được lượng vôi bón cần thiết cho đất cát biển tỉnh Thừa Thiên Huế để có thể mở rộng diện tích đưa đất cát biển tỉnh Thừa Thiên Huế vào sản xuất nông nghiệp. Đây là cũng là một luận văn cao học của ThS. Trần Thanh Đức được trình bày tại Bỉ.
-
Đề tài “Đánh giá khả năng thích hợp và lập bản đồ đánh giá đất xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế” của TS. Lê Thanh Bồn là một đề tài có tính thực tiễn ứng dụng cao. Thông qua việc thực hiện đề tài, đã xác định được các loại hình sử dụng đất cũng như xây dựng được cơ cấu cây trồng phù hợp cho các đơn vị đất của xã Thủy Bằng.
-
Đề tài “Ảnh hưởng của liều lượng đạm và các dạng phân hữu cơ đến năng suất khoai lang và tính chất hóa học đất cát biển Thừa Thiên Huế” của ThS. Hoàng Thị Thái Hòa với việc bố trí các thí nghiệm theo phương pháp ngẫu nhiên, ba lần nhắc lại đã tìm ra được mối quan hệ mật thiết giữa năng suất khoai lang và liều lượng đạm, các dạng phân hữu cơ. Đây là một đề tài có tính thực tiễn rất cao, đặc biệt là đối với các vùng đất cát ven biển còn khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Đề tài “Mô phỏng xói mòn vùng cảnh quan đồi núi, sử dụng số liệu viễn thám và công nghệ GIS” của ThS. Phạm Hữu Tỵ được đánh giá cao. Đây là đề tài có nhiều ứng dụng công nghệ mới. Với việc sử dụng phương trình mất đất phổ quát hiệu chỉnh, tác giả đã mô phỏng được các vùng đồi núi bị mất đất, xói mòn, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách sẽ có phương án lựa chọn để có sử dụng đất đai một cách có hiệu quả nhất. Đây là một luận văn tốt nghiệp cao học của ThS. Phạm Hữu Tỵ đã được trình bày tại Canada và cuối năm 2007 vừa qua.
Có thể nói, Hội nghị KHCN giai đoạn 2005 – 2007 của Khoa TNĐ&MTNN là một cơ hội tốt để CBGV và SV của Khoa có cơ hội được trao đổi, tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học ngành một các có hiệu quả.