Nghiệm thu đề tài xây dựng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh tại tỉnh Hà Tĩnh

0
156

Chiều ngày 19/1/2018, tại Sở Khoa học Công Nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài ‘‘Xây dựng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh tại tỉnh Hà Tĩnh”. Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các nhà khoa học đến từ Khoa Chăn nuôi Thú y – Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai, được thực hiện trong 2 năm từ 2015 đến 2017.

Tham dự buổi nghiệm thu có lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Thú y Vùng III, Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi Thú y Tỉnh Hà Tĩnh cùng với các chủ trại chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi nghiệm thu

Theo Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh: “Chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng tại tỉnh Hà Tĩnh. Những năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc xảy ra rải rác tại các địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Trong chăn nuôi, ngoài vấn đề giống, thức ăn, chuồng trại và các điều kiện về vệ sinh thú y thì công tác phòng dịch bệnh rất quan trọng. Để khống chế và phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, hướng tới nền chăn nuôi bền vững, an toàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập thì việc phải xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là yêu cầu cấp thiết”. Đứng trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ Khoa Chăn nuôi Thú y – Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh tại tỉnh Hà Tĩnh”.

Dự án được triển khai trên địa bàn 3 huyện (gồm Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê), với đối tượng chủ yếu là trâu, bò và lợn.

Trong đó, các nhà khoa học từ trường Đại học Nông Lâm Huế đã lựa chọn xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) triển khai mô hình an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn xã. Cẩm Duệ có 12 thôn với khoảng 1.500 con trâu, bò; 500 con lợn nái.

Tại huyện Thạch Hà, đề tài đã hỗ trợ thông tin, thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị phòng bệnh cho trang trại ông Võ Văn Ước (xã Thạch Thắng).

Ở Hương Khê, đề tài lựa chọn thôn 1 và 2 thuộc xã Hòa Hải, với 500 con trâu bò chủ yếu nuôi thả rừng để thực hiện mô hình. Kết quả, trong thời gian triển khai, các mô hình trên đều được chứng nhận an toàn với dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò và tai xanh trên đàn lợn.

PGS.TS Nguyễn Xuân Bả- Trưởng khoa CNTY- Chủ nhiệm đề tài

Ngoài việc xây dựng mô hình thử nghiệm, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, khảo sát các nguy cơ dẫn đến dịch bệnh và đưa ra các bộ giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Đồng thời kiến nghị lãnh đạo địa phương cần có chính sách hỗ trợ tiêm phòng cho hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, hỗ trợ phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, phòng và giám sát dịch bệnh; tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi, xã hội đối với công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; phấn đấu trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình và được Bộ NN&PTNT công nhận Hà Tĩnh là vùng an toàn dịch bệnh…

Tại buổi nghiệm thu đề tài, các thành viên Hội đồng và các nhà chuyên môn đã đánh giá cao kết quả của đề tài qua các bộ giải pháp thực tế và xếp loại tốt. Ngoài ra, các nhà khoa học và quản lý cũng đã góp ý, bổ sung một số nội dung, số liệu quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng kết đề tài.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here