Chiếc “Xe đạp điện” độc đáo của sinh viên nữ duy nhất, năm thứ nhất lớp Kỹ thuật Cơ điện tử

0
142

Với niềm đam mê học hỏi và sáng tạo, sinh viên Lê Thị Ny – năm nhất lớp Kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế – đã vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại để hoàn thành “tác phẩm” mơ ước của mình. Sau đây, Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của sinh viên Lê Thị Ny về ý tưởng và quá trình “biến” chiếc xe đạp thường thành một chiếc xe đạp điện với nhiều ý tưởng độc đáo của mình.

Ngày nay, với mỗi người, phương tiện đi lại là nhu cầu tối cần thiết. Nên ý tưởng cải biến xe đạp thường thành xe đạp điện xuất phát từ câu chuyện của gia đình tôi. Việc tôi theo học tại lớp Cơ điện tử trong thời gian 5 năm là một vấn đề đè nặng lên cuộc sống gia đình vốn đã chật vật của chúng tôi. Mẹ tôi nhiều lần than thở rằng: “Ui chao! Kiểu ni thì tan bị nát bạc thôi! Không biết có qua được 5 năm không đây?…”. Những câu nói của mẹ đã thôi thúc tôi nên làm gì đó để giảm bớt gánh lo cho cho đôi vai gầy guộc của mẹ. Tôi lên kế hoạch tự cắt giảm chi tiêu. Thay vì ăn sáng ở ngoài tôi chọn ăn cơm nguội đi học. Thay vì chỉ biết học tôi bắt mình phải biết dạy thêm, mở lớp học ngay tại nhà. Thay vì đi xe máy tôi chỉ nghĩ đến xe đạp… Đoạn đường từ nhà đến trường xấp xỉ 15 km, mỗi ngày đi hai vòng những 60km rất tốn tiền xăng. Đi xe đạp mất thời gian và mệt mỏi vì quãng đường xa. Khó khăn này là động lực để tôi “thỏa sức đam mê”.
 

Tôi nghĩ đến việc muốn nâng cấp chiếc xe mình lên về mặt thẩm mĩ và cả tốc độ, chất lượng. Ý tưởng hình thành, tôi lao đầu tìm tòi, nghiên cứu mấy tháng ròng rã. Chiếc xe được làm 2 trong giai đoạn chính:

1. Chế tạo bộ động cơ thủ công: Với những vật liệu chủ yếu từ ve chai: Khung xe, cổ, trục giữa,..và một ít mua mới: Vành, tăm, dè chắn bùn, líp, đĩa,…
Động cơ gồm 2 bộ truyền lực: 2 líp, 2 xích, 2 đĩa và bộ điều chỉnh xích. Chủ yếu dùng lực ở chân như xe bình thường nhưng tốc độ gấp đôi, gấp ba; Tuy nhiên bù lại ta không phải bỏ sức nhiều hơn. Tôi thấy không ổn so với sức mình nên nghĩ cần sự trợ giúp một yếu tố khác và giai đoạn hai hình thành.

2. Tìm hiểu, lắp ráp động cơ và sơn xe: Qua nhiều ngày tìm hiểu những trang web, diễn đàn và “theo dõi” nơi cung cấp động cơ rẻ, an toàn nhất tôi chọn được bộ động cơ điện cần tìm (đồng thời là bộ “moay-ơ” chính của bánh chủ động). Nhận hàng tôi bắt tay vào nối ba bình ắc quy vào nhau – loại dùng cho xe máy. Hàn bộ khung sao cho an toàn và thẩm mĩ nhất. Xe cơ bản đã xong, nhiệm vụ cuối đó là “làm đẹp”: Tôi tự tay sơn, dán mác, lắp dây đèn led,…

Hình ảnh tổng thể của chiếc xe đạp điện

Hình ảnh chiếc xe với các phụ kiện kèm theo

Đây là “tác phẩm” tôi tự tạo ra bởi tất cả lòng đam mê và tìm tòi, học hỏi của một cô sinh viên năm nhất với kiến thức và kinh nghiệm còn quá giới hạn. Cảm giác vui, hạnh phúc, muốn nhảy tung mình lên khi thấy sản phẩm của mình hoàn thành và chạy thử nghiệm thành công. Công sức của tôi đã được đền đáp, nhiều người tỏ ra thích thú với chiếc xe đạp này.

Chiếc xe này rất tốt cho những ai đam mê thể thao hay tham quan du lịch, hơn nữa là không “đụng hàng”. Đây là một sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu, hỗ trợ lực đạp tối đa khi bạn mệt và đặc biệt hơn giá thành rất rẻ, “Made in Viet Nam”.

Chiều chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng, hãy cùng nó đi du ngoạn một vòng thành phố Huế thơ mộng. Khi khỏe bạn không cần nhờ đến động cơ mà hãy cứ từ mình đạp, vừa thể thao, vừa giảm strees, vừa giảm cân nhanh chóng và chắc chắn an toàn! Hãy một lần thử tận hưởng cảm giác tuyệt vời này nhé!

Bên “tác phẩm” của mình
Trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, đây là môi trường tốt nhất cho tôi sẽ thỏa sức thực hiện nhiều ý tưởng mới đang ấp ủ của mình..
Các bạn nào cần tư vấn về “con ngựa chiến” cho riêng mình hãy liên hệ với tôi nhé.
Địa chỉ của tôi là Lê Thị Ny,
Lớp Kỹ thuật Cơ điện tử, K48,
Khoa Cơ khí – Công nghệ,
Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here