Công bố kết quả nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu sử dụng một số chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn theo hướng VietGAP ở tỉnh Thừa Thiên Huế

0
125

Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62 62 01 10
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Xuân Phương
Khóa đào tạo: 2012 – 2015

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Trần Đăng Hòa

2. PGS.TS. Trần Thị Lệ

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Những đóng góp mới của luận án

Xác định được một số hạn chế và nguyên nhân gây mất an toàn trong sản xuất lúa ở Thừa Thiên Huế: Diện tích sản xuất lúa của các nông hộ ở tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu ở quy mô 2500 – 5000 m2 và năng suất lúa đạt được còn thấp. Lượng phân đạm bón ở mức cao hơn so với quy trình khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi đó kali ít được đầu tư và hoàn toàn không sử dụng phân hữu cơ. Số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong một vụ sản xuất còn nhiều (7 – 9 lần/vụ) và loại thuốc sử dụng chủ yếu thuộc nhóm cacbomat, photpho hữu cơ. Đây là các nguyên nhân chính gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất lúa.

Xác định được thay thế phân đạm vô cơ bằng chế phẩm sinh học (WEHG, BIO-9) cho sản xuất giống lúa BT7: Sử dụng chế phẩm sinh học WEHG hoặc BIO-9 để thay thế một phần phân đạm vô cơ cho giống lúa BT7 trên đất phù sa cổ, đất cát nội đồng và đất phù sa không được bồi không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa ở cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Thay thế 20% phân đạm vô cơ và bổ sung 7 lít chế phẩm sinh học WEHG (1 tấn phân HCVS Sông Hương + 80 kg N + 70 kg P205+ 70 kg K20+ 7 lít WEHG) hoặc bổ sung 3 lít chế phẩm sinh học BIO-9 (1 tấn phân HCVS Sông Hương + 80 kg N + 70 kg P205 + 70 kg K20+ 3 lít BIO-9) cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với công thức bón hoàn toàn phân hóa học. Bón chế phẩm sinh học WEHG hoặc BIO-9 đã cải thiện một số tính chất đất trồng lúa sau thí nghiệm như pHKCl, OC, N và số lượng vi sinh vật trong đất. Đồng thời, có ý nghĩa lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Xác định được hiệu lực phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa của dịch chiết Pongam có nguồn gốc từ cây đậu dầu: Dịch chiết Pongam được chiết xuất từ lá cây đậu dầu có hiệu quả trong phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trên giống lúa BT7 trong vụ Hè Thu 2013 và vụ Đông Xuân 2013 – 2014 và đạt hiệu lực cao nhất 60,64 – 69,64% ở Hương An; 56,22 – 66,27% ở Thủy Thanh vào thời điểm 3 ngày sau phun. Dịch chiết Pongam không ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, tỷ lệ nhánh hữu hiệu, các yếu tố cấu thành năng suất (số hạt chắc/bông, số hạt/bông, khối lượng 1000 hạt). Tuy nhiên, sử dụng dịch chiết Pongam với nồng độ 0,5% đã làm tăng số bông/m2, dẫn đến năng suất cao hơn so với đối chứng.

Mô hình sản xuất sử dụng chế phẩm sinh học WEHG hoặc BIO-9 và thuốc thảo mộc Pongam phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đạt năng suất cao hơn mô hình sử dụng hoàn toàn phân và thuốc hóa học từ 0,17 – 0,29 tấn/ha (Hương An); 0,21 – 0,33 tấn/ha (Thủy Thanh) và lợi nhuận cao hơn mô hình đối chứng từ 2,234 – 2,467 triệu đồng/ha (Hương An); 1,265 – 1,520 triệu đồng/ha (Thủy Thanh). Đồng thời, góp phần làm thay đổi chất lượng của gạo BT7 đặc biệt là làm tăng hàm lượng protein, gạo mềm hơn và đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tóm tắt luận án tiến sĩ Trần Thị Xuân Phương

Luận án tiến sĩ Trần Thị Xuân Phương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here