Công bố kết quả nghiên cứu đề tài: Xây dựng bản đồ cấp năng suất cho rừng keo lai tại Thừa Thiên Huế

0
135

Nghiên cứu sinh: Hồ Thanh Hà.
Chuyên ngành:Điều tra và Quy hoạch rừng
Mã số: 62.62.02.08
Cán bộ hướng dẫn: GS.TS Vũ Tiến Hinh
Cơ sở đào tạo: Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS)

Nội dung trích yếu của Luận án

1. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu:

Mục tiêu chung: Xây dựng được mô hình dự báo năng suất và lập bản đồ cấp năng suất góp phần phát triển bền vững diện tích rừng Keo lai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu cụ thể: i). Đánh giá được hiện trạng và cơ sở cho phát triển rừng trồng Keo lai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ii). Xác định được một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất rừng Keo lai trên địa bàn.. iii). Xây dựng được mô hình tương quan dự báo năng suất rừng Keo lai và thể hiện dưới dạng bản đồ cấp năng suất.

Đối tượng nghiên cứu: Các lâm phần Keo lai trồng thuần loài, đều tuổi và được khai thác tại tuổi 6. Rừng được trồng bằng cây con có bầu theo phương pháp giâm hom, rừng chưa qua tỉa thưa.

2. Nội dung nghiên cứu chính:

– Đánh giá hiện trạng công tác trồng rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2000- 2010

– Xây dựng mô hình dự báo năng suất rừng Keo lai tại tỉnh Thừa Thiên Huế

– Xây dựng bản đồ cấp năng suất cho rừng trồng Keo lai tại tỉnh Thừa Thiên Huế

3. Phương pháp nghiên cứu:

– Sử dụng phương pháp phân tích hệ số đường ảnh hưởng để phân tích và đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến năng suất.

– Sử dụng phân tích tương quan tuyến tính đa biến để xây dựng mô hình dự báo sản lượng rừng Keo lai với các nhân tố định tính có thể là biến mã hóa hoặc biến giả (biến Dummy) với 4 dạng chính:

Dạng 1: Độ dốc và độ cao là biến định lượng, các biến định tính sẽ sử dụng biến Dummy

Dạng 2: Tất cả các nhân tố sử dụng đều là biến Dummy

Dạng 3: Độ dốc và độ cao là biến định lượng còn các nhân tố định tính khác được mã hóa

Dạng 4: Tất cả các biến sử dụng dưới dạng mã hóa

– Sử dụng công nghệ GIS để chồng ghép các lớp bản đồ chuyên đề, tạo được bản đồ thành quả về năng suất rừng Keo lai trồng quảng canh và thâm canh tại Thừa Thiên Huế.

4. Các kết quả nghiên cứu chính (những điểm mới)

  • Đã sử dụng phương pháp phân tích hệ số đường ảnh hưởng để phân tích và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng suất rừng trồng Keo lai tuổi 6 tại Thừa Thiên Huế. Các nhân tố nghiên cứu gồm phương thức trồng, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới đất, loại đất, độ dốc, độ cao, nhiệt độ trung bình năm, tổng lượng mưa hàng năm đều có ảnh hưởng đến năng suất rừng Keo lai trên địa bàn Thừa Thiên Huế
  • Đã sử dụng biến Dummy (biến giả) trong tương quan hồi qui đa biến để dự báo năng suất rừng Keo lai tuổi 6 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với phương trình dự báo năng suất là:
  • Năng suất = 54,040 + 21,123(Thâm canh)+ 9,194 (độ dày trên 100 Cm) -14,230(Độ dày nhỏ hơn 30Cm) – 27,621 (Đất xói mòn trơ sỏi đá) – 0,322 (Độ dốc) – 0,022(Độ cao) – 2,884(Đất thịt nhẹ) – 4,539 (Độ dày từ 30 đến 50 Cm) + 3,518(Lương mưa 3700 đến 4000mm) – 8,989(Nhiệt độ trên 24 độ C) – 6,649(Nhiệt độ từ 23 đến 24 độ C)
  • Đã kết hợp giữa mô hình dự báo năng suất với phương pháp chồng ghép bản đồ trong công nghệ GIS để xây dựng bản đồ dự báo cấp năng suất cho rừng Keo lai tuổi 6 trồng quảng canh và trồng thâm canh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng sản lượng hàng năm có thể khai thác khi trồng quảng canh là 1,2 triệu tấn và là 1,8 triệu tấn nếu rừng được trồng thâm canh.

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:

Ý nghĩa khoa học:

Góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học cho dự báo năng suất rừng nhằm phát triển bền vững diện tích rừng trồng Keo lai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Góp phần ứng dụng khoa học sản lượng rừng với công nghệ GIS vào việc thể hiện cấp năng suất rừng dưới dạng các bản đồ số hóa.

Bước đầu sử dụng biến giả (biến Dummy) cho các nhân tố định tính trong tương quan hồi qui đa biến để dự báo năng suất rừng trồng.

Ý nghĩa thực tiễn:

Xây dựng và thể hiện năng suất rừng Keo lai dưới dạng bản đồ số tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, định hướng phát triển bền vững rừng trồng Keo lai trên địa bàn nghiên cứu, cũng như cho người dân khi sử dụng..

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here