Dự án đồng quản lý tài nguyên ven biển

Dự án Nghiên cứu quản lý Tài nguyên dùng chung (CPR), Việt Nam:
Hợp phần ven biển, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Canada (IDRC) tài trợ thông qua chương trình Môi trường và Giảm nghèo ở nông thôn (RPE)

cprhue_logo.JPG

Giới thiệu Dự án quản lý tài nguyên dùng chung (CPR)

Trung tâm Nghiên cứu IDRC (Canada) đã hỗ trợ các dự án nghiên cứu quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng (CBNRM) từ những năm 1990. Trong giai đoạn 2008-2011, IDRC tiếp tục hỗ trợ các dự án này thực hiện nghiên cứu cải tiến quản lý tài nguyên dùng chung (common pool resource – CPR) ở vùng đồi núi và ven biển miền trung Việt Nam. Mục tiêu của dự án là triển khai nghiên cứu hành động để hỗ trợ cải tiến chính sách hướng tới quản lý bền vững CPR ở Việt Nam. (“CPR” hay “tài nguyên dùng chung” là một hệ thống tài nguyên có nhiều đối tượng cùng sử dụng và hưởng lợi. Việc quản lý hệ thống này phải duy trì được lợi ích hợp lý của các hộ có quyền hưởng lợi)

Mục tiêu chung của dự án là:

Phát triển, thử nghiệm, tư liệu và chia sẻ các phương thức tiếp cận có hiệu quả trong việc củng cố cơ chế quyền sử dụng hợp lý và bền vững ở vùng núi và ven biển miền Trung Việt Nam.

Các mục tiêu nghiên cứu là:

1) Xây dựng cơ chế quyền sử dụng thích hợp và cải tiến trao quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên đối với đất và mặt nước
2) Củng cố các tổ chức dựa vào cộng đồng cho người sử dụng tài nguyên và nâng cao năng lực của họ trong việc đảm nhận quản lý tài nguyên dùng chung
3) Xác định và thử nghiệm các phương pháp và các hình thức sử dụng tài nguyên mới để cải thiện sinh kế, đặc biệt là sinh kế của người nghèo vùng nông thôn
4) Cải tiến phương pháp hoạt động mạng lưới nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực nghiên cứu trong quản lý tài nguyên dùng chung

Tiến trình và phương pháp tổng thể:

Nghiên cứu này được đề xuất dựa trên các bài học và kinh nghiệm rút ra từ các nghiên cứu ở vùng đầm phá Tam Giang đã được thực hiện. Ở Việt Nam, nhà nước sở hữu toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, nhưng quản lý kém hiệu quả do năng lực của chính quyền địa phương (đặc biệt ở cấp xã) đang còn hạn chế. Vì thế nghiên cứu này thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để chia sẻ vai trò và trách nhiệm của họ trong quản lý. Tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ chế đồng quản lý thủy sản (QĐ: 4260/2005). Các nghiên cứu trước đây trong khu vực đã chứng tỏ rằng phương thức quản lý này là hình thức tiếp cận phù hợp và có hiệu quả đối với các loại tài nguyên dùng chung như hệ đầm phá Tam Giang Cầu Hai. Đồng quản lý trong bối cảnh địa phương bao gồm việc trao quyền sử dụng và trách nhiệm quản lý cho tổ chức của ngư dân để gia tăng vai trò họ trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên.

Dự án tiến hành nghiên cứu hành động ở ba mức độ: (1) hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý tài nguyên cho cộng đồng thông qua việc thành lập và kiện toàn chi hội nghề cá. (2) xây dựng cơ chế quản lý quyền sử dụng tài nguyên và cải tiến trao quyền làm cơ sở cho thiết lập đồng quản lý. Việc trao quyền cho tổ chức ngư dân sẻ được thực hiện thông qua đồng thuận của các bên liên quan. (3) hỗ trợ các hoạt động mạng lưới như là một phương tiện đưa tiếng nói của người dân vào đối thoại, xây dựng chính sách và quảng bá kết quả nghiên cứu.