Giới thiệu quy trình sản xuất Cua giống (Scylla serrata) sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp

0
159

Qua nhiều lần thử nghiệm từ đầu năm 2013 cho đến nay, nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông Lâm đã thành công quy trình sản xuất Cua giống bằng việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp tại Trung Tâm Nghiên cứu và Thực hành Thủy sản Phú Thuận.

Theo chỉ đạo của tỉnh về việc tiếp tục phát triển đa dạng hoá đối tượng nuôi, trong lúc nuôi tôm đang gặp khó khăn do môi trường đầm phá ô nhiễm, dịch bệnh… thì các mô hình nuôi xen ghép nước lợ đang trở nên phổ biến, trong đó các mô hình nuôi ghép với cua loài Scylla serrata đã và đang mang lại hiệu quả rất đáng kể. Năm 2012, nhu cầu cua giống trên toàn tỉnh cần 3,08 triệu con, dự kiến năm 2013, nhu cầu tiếp tục tăng lên. Nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trại sản xuất để cung cấp cua giống cho ngư dân. Nguồn cua giống chủ yếu nhập từ Nha Trang, hoặc là khai thác tự nhiên để ương. Điều này đã ảnh hưởng đến việc chủ động về mùa vụ nuôi cũng như việc áp dụng kỹ thuật. Hơn nữa, do một số lý do đặc trưng về điều kiện thời tiết khí hậu mà công nghệ sản xuất giống đã áp dụng thành công ở các tỉnh nhưng chưa thành công tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đó là không chủ động nguồn thức ăn tươi sống trong quá trình sản xuất, do vào mùa lạnh (từ tháng 12 – 3 Âm lịch) bị hạn chế ánh sáng mặt trời, không sản xuất được tảo và rotifer. Trong khi đó thời điểm này là chính vụ để sản xuất giống (bắt đầu từ tháng 3 âm lịch). Vì vậy, cần phải nghiên cứu quy trình sản xuất cua giống sử dụng hoàn toàn thức ăn tổng hợp đóng lon có sẵn trên thị trường (F1, Lansy ZM, Artermia) vào để thay thế. Với mục tiêu là hoàn thiện quy trình và chủ động cung cấp nguồn cua giống loàiScylla serratatrên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong 1 vài năm tới.

Qua nhiều lần thử nghiệm từ đầu năm 2013 cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã thành công quy trình sản xuất cua giống bằng việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp tại Trung Tâm Nghiên cứu và Thực hành Thủy sản Phú Thuận.

Giới thiệu về quy trình:

1. Các loại bể nuôi vỗ và ương ấu trùng

Bể nuôi vỗ bằng ximăng loại 5m3, bể ương ấu trùng bằng composite loại 1m3, 5m3, xô nhựa ấp artermia loại 120 lít.

2. Xử lý nước biển trước khi ương, nuôi

Sau khi lọc cơ học, cho nước vào bể chứa, xử lý bằng Virkon A nồng độ 0,6 ppm, sục khí liên tục ít nhất là 8 giờ rồi cấp vào các bể.

3. Nuôi vỗ cua mẹ

Các tiêu chí chọn lựa cua mẹ: cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ các phần phụ, buồng trứng đã phát triển qua giai đoạn III, IV, đã qua giao vĩ, hoặc đang ôm trứng. Chiều rộng mai 10 – 15 cm, trọng lượng thân từ 250 – 800g.

Thả cua mẹ: cua mẹ bắt ngoài tự nhiên được xử lý qua thuốc tím nồng độ 0,3 ppm và cho vào bể có thể tích 5m3. Mật độ nuôi vỗ từ 2-3 con/m2. Cho một lớp cát dày 20-30 cm ở một góc bể cho cua mẹ vùi và ẩn nấp, duy trì sục khí 24/24 giờ.

Cho ăn và chăm sóc quản lý: cho cua mẹ ăn các loại thức ăn tươi sống như trìa, mực, ốc mượn hồn. Trìa và ốc mượn hồn đập vỏ, mực được cắt thành từng miếng nhỏ. Phối trộn cho cua ăn ngày 2 lần, sáng từ 6-7 giờ, chiều từ 17-18 giờ. Trước khi cho ăn thì thức ăn phải rửa qua thuốc tím (5ppm), kiểm tra và vớt sạch thức ăn còn dư thừa của buổi trước.

4. Kỹ thuật cho đẻ

Thường xuyên kiểm tra sự thay đổi màu sắc cơ thể, phần tiếp giáp giữa 2 mai và đốt bụng thứ nhất hở rộng ra, mai cua chuyển sang màu huyết dụ, cua mẹ bơi quanh bể. Khi cua mẹ chuẩn bị đẻ chúng sẽ đứng chồm dậy bằng các đôi chân bò thì dung vợt để chuyển ngay cua vào bể đẻ.

Sau khi đẻ xong, để khoảng một giờ đồng hồ cho khối trứng ổn định, vớt cua mẹ ra tắm bằng nước ngọt 01 phút và hằng ngày tắm bằng idorin 25ppm thời gian 5 phút.

Hình 1. Sự thay đổi màu sắc của buồng trứng

5. Kỹ thuật ấp trứng

Bể ấp trứng có thể tích từ 1 m3, cho cua mẹ ăn 1 lần/ngày và thay nước 100%. Thời gian ấp trứng thường từ 9-15 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường.

6. Kỹ thuật ương ấu trùng

Trứng cua thường nở vào sáng sớm từ 5-8 giờ. Sau khi nở 30 phút thì tiến hành thu ấu trùng Zoae. Các thao tác tiến hành càng nhanh càng tốt (10-15 phút).

Kỹ thuật ương giai đoạn Zoea 1 đến Megalope: bể ương có thể tích 1m3, mỗi bể trang bị một dây sục khí. Cấp nước đã được lọc sạch vào bể, xử lý EDTA 5 ppm sục khí mạnh ít nhất 8 giờ, mật độ thả từ 150-200 con/lít.

Giai đoạn Z1 đến Z3: cho ăn LansyZM + F1 với 3 lần/ngày, mỗi lần 1 g / 10 vạn Zoae, kết hợp cho ăn Artemia bung dù.

Giai đoạn Z4 đến Z5 gồm: Lansypost + F3 với 3 lần/ngày, mỗi lần 1,5g/10 vạn Zoae, kết hợp artemia mới nở.

Hàng ngày tiến hành xi phông đáy, bổ sung nước mới. Khi thấy có xuất hiện Megalope thì chuyển cua qua bể có thể tích lớn hơn để san thưa mật độ.

Kỹ thuật ương giai đoạn Megalope đến cua bột: nguồn nước đã được xử lý có độ mặn 280/00 vào bể composite loại 5 m3, sục khí mạnh.

Ba ngày đầu cho ấu trùng ăn thức ăn tổng hợp là Lansypost và F3, kết hợp với Artemia sinh khối 15-20 con/lit/ngày. Cuối giai đoạn Megalope 3 ngày, bổ sung thêm thức ăn chế biến và bổ sung thêm vitamin, calcium và cho ăn. Cần tiến hành xi phông đáy hàng ngày loại bỏ xác chết và thức ăn thừa để. Vào ngày thứ 5 và thứ 7, thay 30% nước cũ và cấp thêm nước mới để kích thích Megalope lột xác.

Kỹ thuật ương cua bột: thả giá thể để tránh tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau bằng cách sử dụng các sợi nilon màu xanh lá cây đã được xử lý sạch, cắt ngắn ngắn và buộc thành từng bó.

Cho cua ăn thịt tôm đã lột vỏ, kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và artemia.

7. Thu hoạch cua giống

Khi cua bột đến 4-5 ngày tuổi, tháo cạn nước trong bể, sử dụng vợt có kích thước mắt lưới 2 mm để thu.

Kết quả 1 đợt sản xuất, dự kiến thu được khoảng 4-5 vạn cua giống, xuất bán vào ngày 5/6/2013. Các đợt tiếp theo cũng đang được tiến hành liên tục cho đến cuối năm.

Một số hình ảnh về quy trình sản xuất Cua giống

Quan sát hoạt động của ấu trùng

Sinh viên cấp nước cho bể ương

Thay nước, lọc và san thưa ấu trùng

Nhóm nghiên cứu:

(1) Nguyễn Khoa Huy Sơn, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Duy Quỳnh Trâm, Nguyên Đức Thành, Nguyễn Đức: Khoa Thủy Sản
(2) Nhóm nghiên cứu Sinh viên các lớp thuộc khoa Thủy Sản: CĐTS-45, NTTS-45, NLTS-45

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here