Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá dầy

0
97

Vừa qua, Đại học Huế đã tổ chức nghiệm thu dự án Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá dầy do ThS. Nguyễn Phi Nam, Trưởng Bộ môn Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt – Khoa Thuỷ Sản, Trường ĐH Nông lâm – Đại học Huế làm chủ dự án. Dự án được sự phối hợp thực hiện của Trung tâm giống thuỷ sản nước ngọt cấp I Thừa Thiên Huế và Cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt Cương Đương – xã Hải Thượng – huyện Hải Lăng – tỉnh Quảng Trị.

Cá dầy (Cyprinus centralus) phân bố khá rộng cả ở các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ ven biển từ Quảng Bình đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, loài cá này tập trung nhiều ở khu vực vùng ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cá dầy là đối tượng ưa thích của người dân trong khu vực do thịt cá thơm ngon. Các nghiên cứu về nguồn lợi gần đây cho thấy sản lượng cá dầy thời gian qua đã có xu hướng suy giảm rõ rệt. Nguyên nhân gây ra tình trạng là do người dân sử dụng nhiều loại ngư cụ khai thác khác nhay như lưới, vây, chuôm, lưới đáy, te máy, rà điện… và việc khai thác này được tiến hành gần như quanh năm, cao điểm nhất là vào mùa mưa – mùa đẻ trứng của cá dầy. Bên cạnh đó, ngư dân còn dùng te máy đánh bắt rất nhiều cá con và tàn phá các bãi thực vật thuỷ sinh – là giá thể cho trứng của cá dầy bám, dính. Vì vậy cá dầy ngày càng cạn kiệt.

Trong thời gian từ năm 2003 đến 2005, được sự hỗ trợ của dự án SUFA (Bộ Thuỷ Sản), nhóm nghiên cứu đã tiến hành và bước đầu nghiên cứu thành công phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá dầy ở Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu của dự án là sản xuất thành công giống cá dầy ở các quy mô khác nhau, thông qua đó chuyển giao và cung cấp đại trà giống cá cho người sản xuất trong khu vực và làm tăng tính bền vững cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng sản xuất này làm nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng tiếp cận thực tiễn sản xuất cho các giảng viên và sinh viên của khoa Thuỷ Sản – Trường ĐH Nông lâm – Đại học Huế, góp phần nâng cao chất lượng đào tao.

Các nội dung của dự án bao gồm:

1. Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá dầy ở quy mô nông hộ và các cơ sở sản xuất lớn trong điều kiện nhân tạo:

– Nâng cao hiệu quả nuôi vỗ cá bố mẹ thành thục và tái phát dục, tăng tỷ lệ cá thành thục và chin muồi sinh dục từ 40 – 50% lên 70 – 80% tổng số cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ.

– Ứng dụng biện pháp cho cá dầy đẻ theo phương pháp công nghiệp (ép bụng, vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo) để tăng số lượng trứng/ cá mẹ (từ 16.000 trứng/cá mẹ theo phương pháp đẻ bán tự nhiên hiện nay, tăng lên 70.000 – 90.000 trứng/cá theo phương pháp mới).

– Sử dụng biện pháp ấp nở theo phương pháp công nghiệp nhằm tăng tỷ lệ trứng nở, tỷ lệ sống của cá bột từ 65% (hiện nay) lên 80 – 85% (theo phương pháp mới) và làm tăng hiệu quả kinh tế.

– Xác định loại thức ăn thích hợp nhất trong ương nuôi cá giống.

2. Sản xuất thử 1.700.000 cá giống cỡ 2 – 3cm/con, và 200 cặp cá bố mẹ hậu bị.

3. Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất giống cá dầy quy mô nhỏ ở nông hộ và quy mô sản xuất lớn. Chuẩn bị hồ sơ để đăng ký quy trình sản xuất giống cá dầy nhân tạo tại cơ quan quản lý chuyên ngành.

4. Cải tạo và xây dựng  cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu về dây chuyền sản xuất giống của đối tượng quan tâm.

5. Tuyên truyền quảng bá sản phẩm cho các địa phương trong và ngoài khu vực nghiên cứu.

6. Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất và nuôi cá dầy:

– Tập huấn 5 lớp kỹ thuật cá dầy thương phẩm cho các nông hộ có nhu cầu (30 hộ/lớp).

– Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá dầy cho 9 cán bộ kỹ thuật của 3 đơn vị sản xuất cá giống trong địa bàn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here