TP – Một nhà khoa học Việt Nam vừa thành công trong việc tạo ra một loại thực phẩm bổ sung hàng trăm vi chất có giá trị trong cám gạo vốn lâu nay chỉ dùng cho gia súc. Về mặt dinh dưỡng, sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế và bắt đầu được lưu hành trên thị trường.
Tiền Phong có cuộc trao đổi với tác giả sản phẩm này, KS Bùi Huy Thanh (ảnh), Giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu Đầu tư Phát triển Công nghệ Mới Extra – Fo.
Kể từ khi phát hiện các vi chất tuyệt hảo trong cám gạo bị bỏ đi và bị phân hủy trong quá trình xay xát, các nhà khoa học trên thế giới lao vào cuộc chạy đua thu hồi những chất mất đi ấy mà lại dễ sử dụng, dễ ăn và cũng có mùi vị thơm ngon. Ông tham gia cuộc chạy đua ấy thế nào?
KS Bùi Huy Thanh |
Động lực chính lôi cuốn hàng nghìn phòng thí nghiệm sinh học danh tiếng thế giới vào cuộc chạy đua marathon thú vị chính là tìm ra thuốc thần khắc chế các bệnh mãn tính. Ai cũng biết, nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, tim mạch, gout, đại tràng, rối loạn tiêu hóa, bệnh về thoái hóa hoặc lão hóa sớm, v.v, y học vẫn bó tay.
Thay vì tốn rất nhiều tiền để mua thuốc điều trị bệnh mãn tính, tại sao không tận dụng một loại thực phẩm tự nhiên có vô vàn hoạt chất tốt là gạo lức. Vấn đề là làm thế nào để lấy lại những cái đã mất, tận dụng chúng một cách có lợi nhất.
Tôi ấp ủ tham gia cuộc đua này từ 20 năm nay. Các nhà khoa học Mỹ đã giải quyết thành công từ năm 2002-2004. Nhưng giải quyết vấn đề đó như thế nào thì họ không công bố.
So với rau, quả, tinh chất gạo lức chứa 120 chất kháng ô xi hoá, với tổng hoạt lục 24.000 đơn vị khả năng chống ô xi hóa, lớn nhất trong số 28 loại thực phẩm giàu các chất chống ô xi hóa của nước Mỹ. Từ năm 2004- 2009, Mỹ có 40 công trình nghiên cứu về hạt toàn phần (gạo lức) và tác dụng của nó đối với các bệnh nan y như ung thư, tiểu đường, tim mạch, v.v.
Mười năm qua, nước Mỹ mới đạt được 1/3 – 1/4 mục tiêu mà họ đặt ra là làm thế nào để mỗi người Mỹ tiêu thụ ít nhất 100g sản phẩm hạt toàn phần mỗi ngày.
Về phần mình, tôi đã nghiên cứu để giữ lại được 65 phần trăm chất hữu ích trong phần bị mất đi của hạt toàn phần. Rất may là giữ lại được những chất quý, có lợi nhất cho sức khỏe, chẳng hạn, giữ được toàn bộ dầu béo.
Sau khi tìm ra cách giữ lại được những hợp chất tự nhiên để không bị phân huỷ trong quá trình xay xát, tôi mới nghĩ tới việc nghiên cứu sao cho, thay vì phải dùng gạo lức vốn khó ăn, sẽ có sản phẩm dễ dùng hơn.
Sản phẩm Extra-fo với những túi dạng bột như bột sữa, có trọng lượng 15g/gói của chúng tôi ra đời với mùi vị thơm ngon gần như bột đậu xanh, trong đó 30 phần trăm là sữa và phụ gia. Có thể sử dụng bằng cách pha vào nước nóng quấy lên.
Từ cái rất khó ăn, gạo lức được chế biến thành sản phẩm dễ ăn mà bản chất của gạo lức hầu như không thay đổi, các thành phần hữu ích hầu như không bị phân hủy. Mỗi ngày chỉ cần ăn một gói 15g là đủ thành phần cần có trong gạo lức đối với một người bình thường.
Tự đánh giá, ông thấy sản phẩm của ông thế nào so với sản phẩm của Mỹ?
Ở Mỹ, người ta tách ra thành khoảng 10 sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm có một chức năng riêng đối với sức khỏe. Sản phẩm duy nhất của tôi không chỉ có thành phần đầy đủ của 10 sản phẩm riêng biệt của Mỹ, tức là có đồng thời 10 chức năng, mà còn có thêm chức năng khác như ăn hạt toàn phần.
Có thể các Cty ở Mỹ làm theo ý đồ kinh tế, chế biến ra thành 5 – 10 loại thực phẩm chức năng. Còn tôi lại cho rằng, những gì tự nhiên có thì hãy sử dụng nguyên vẹn. Nếu tách đơn lẻ thì có thể giảm tác dụng.
Vậy nên, tôi chủ trương giữ lại toàn bộ phần thu được và đưa vào một sản phẩm mà thôi. Ngoài ra, tôi thêm chức năng dễ sử dụng và cố gắng giảm giá thành để phù hợp với túi tiền của phần lớn dân Việt Nam.
Hướng lâu dài của tôi là từ sản phẩm thu hồi chứa 65 phần trăm chất quý giá nhất trong gạo lức, sẽ làm ra bột dinh dưỡng cho trẻ em với giá chỉ khoảng 60 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, tôi sẽ phấn đấu sản xuất ra dầu gạo, loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe nhưng nguyên liệu thường bị hư hỏng trước khi kịp đưa vào chế biến.
Những bằng chứng khoa học và thực tiễn về công dụng của sản phẩm này là gì?
Để lấy lại được những phần quý giá nhất bị mất lâu nay, chúng tôi dùng thiết bị tự chế. Về pháp lý, chúng tôi vừa có giấy phép (Số 5217/2009/YT-CNTC) công nhận chất lượng sản phẩm do Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp.
Chúng tôi đã cho 300 người dùng thử sản phẩm Extra-fo trong 5 tháng. Hầu hết người sử dụng đều nói sản phẩm có tác dụng cải thiện sức khỏe. Rõ rệt nhất là những người bị bệnh đại tràng và rối loạn tiêu hóa, sau hai tuần sử dụng, đều thấy bệnh tình đỡ hẳn. Sản phẩm còn có tác dụng hạn chế lão hóa, làm đẹp da, giảm mỡ thừa. Tôi lưu ý, đây không phải là thuốc, mà là thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này, theo ông, đâu là thuận lợi đâu là khó khăn?
Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu lớn cho việc sản xuất sản phẩm.
Một thuận lợi nữa là sản phẩm dựa trên kết quả của hàng trăm công trình khoa học nghiên cứu về mối liên quan giữa việc sử dụng sản phẩm gạo lức đối với nhiều bệnh mãn tính.
Ông cha ta có kinh nghiệm sử dụng gạo lức, những ai kiên trì thực hiện ăn gạo lức được 3 – 4 năm hầu như cải thiện được rõ rệt tình trạng bệnh tật.
Khó khăn nhất là sản phẩm quá mới, chưa hề có sản phẩm tương tự. Chế biến được sản phẩm rồi, thách thức lớn bây giờ là giá thành.
Thách thức nữa là đăng ký bản quyền, Cục Sáng chế yêu cầu sản phẩm phải được theo dõi ít nhất sau ba năm. Và phải công bố bí quyết công nghệ. Thời gian thì chắc là chờ đợi được. Nhưng về công nghệ, tôi thực sự chưa yên tâm hệ thống hành pháp của ta có thể bảo vệ được độc quyền công nghệ cho tác giả.
Cảm ơn ông.
* Về khoa học, nếu được các cơ quan có trách nhiệm chứng minh là đúng, đây có thể là công trình đầu tiên của Việt Nam và công trình thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) thành công trong việc chế biến gạo lức vốn có rất nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, hạn chế rủi ro đặc biệt với các bệnh mãn tính, nhưng cực kỳ khó ăn thành thứ rất dễ sử dụng. Không những thế, sản phẩm này Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng chủng loại của Mỹ.
* GS.TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội KH&Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam, bị tiểu đường hơn 30 năm, điều trị rất nhiều với đông y kết hợp tây y và chế độ dinh dưỡng khắt khe như tuyệt đối không ăn đường, tăng cường ăn rau quả. Thậm chí, ông cũng từng dùng gạo lức. Nhưng thấy mất quá nhiều thời gian để có được một bữa ăn gạo lức nên thôi. Giờ GS Diên cũng sử dụng thường xuyên sản phẩm extra – fo thay vì phải mất thời gian chế biến gạo lức. |