Nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế “Nghiên cứu các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế”; Mã số: DHH2016-02-79

0
401

Sáng ngày 8/5/2018, tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã diễn ra buổi nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế.

Tại buổi nghiệm thu đề tài, các thành viên Hội đồng và các nhà chuyên môn đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và kết quả xếp loại: TỐT.

1. Thông tin chung

Tên đề tài: Nghiên cứu các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế

  • Mã số: DHH 2016-02-79
  • Chủ nhiệm: ThS. Võ Điều
  • Thời gian thực hiện: từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017

2. Mục tiêu

2.1 Mục tiêu chung

– Góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi cảnh, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ nguồn lợi cá nước ngọt ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

2.2 Mục tiêu cụ thể

  • Xác định được danh mục các loài cá nước ngọt từ tự nhiên có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế.
  • Bước đầu xác định được một số đặc trưng cơ bản của các loài cá nước ngọt xác định được

3. Tính mới và sáng tạo

Kết quả của đề tài thể hiện một số điểm mới và sáng tạo trong lĩnh vực thủy sản cụ thể như sau:

  • Lần đầu tiên ở Việt Nam tiềm năng về cá cảnh nước ngọt tự nhiên được khảo sát nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị nguồn lợi tại một địa phương được triển khai.
  • Lần đầu tiên danh mục các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh phân bố ở Thừa Thiên Huế được xác định.
  • Cung cấp nhiều thông tin mới về các loài cá cảnh bản địa có giá trị phân bố ở Thừa Thiên Huế chưa được biết tới trước đây như cá Tỳ bà bướm hổ, cá Tỳ bà bướm đốm, cá Neon Việt Nam.
  • Việc tìm hiểu, khảo sát và xây dựng các tiêu chí lựa chọn đối tượng cá nước ngọt nuôi cảnh mang tính sáng tạo và nỗ lực của người nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

Qua 02 năm thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả chính như sau:

  • Bước đầu xác định được các tiêu chí lựa chọn các loài cá nước ngọt phục vụ nuôi cảnh phù hợp với thị hiếu của người nuôi cá cảnh tại Thừa Thiên Huế.
  • Xác định được danh mục các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh phân bố ở Thừa Thiên Huế. Danh mục này gồm 32 loài cá thuộc 4 bộ, 8 họ, trong đó bộ cá chép chiếm ưu thế với 22 loài. Nhiều loài cá trong danh mục này hiện đang được người nuôi cá cảnh trong và ngoài nước ưa chuộng như cá Tỳ bà bướm đốm, Tỳ bà bướm hổ, cá Neon Việt Nam.
  • Bước đầu xác định được một số đặc điểm môi trường sống của các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh. Nhìn chung, các loài cá trong danh mục được chia thành 03 nhóm cơ bản về đặc điểm môi trường sống. Nhóm cá sống ở các khe suối, thích nghi với dòng chảy mạnh; oxy hòa tan cao; nền đáy đá, sỏi, cát như các loài cá Tỳ bà bướm, cá Miệng giả, cá Cháo thường,… Nhóm cá sống ở các thủy vực có dòng chảy vừa (chủ yếu là vùng đồng bằng); hàm lượng oxy hòa tan trung bình; có nền đáy cát, cát bùn, bùn cát, cây thủy sinh như cá Bướm chấm, cá Cấn, cá Chạch cát,… Nhóm cá sống ở các thủy vực nước tĩnh; có nền đáy cát bùn, bùn cát, cây thủy sinh như các loài cá Cờ, cá Bã trầu,…
  • Xác định được đặc điểm dinh dưỡng của 06 loài cá trong danh mục có tiềm năng nuôi cảnh gồm cá Cấn, cá Bướm chấm, cá Bã trầu, cá Chạch mười sọc, cá Miệng giả và cá Kìm ao.
  • Bước đầu đánh giá được hiện trạng nguồn lợi và khai thác, sử dụng các loài cá trong danh mục cá tiềm năng nuôi cảnh. Có thể chia các loài cá trên thành 02 nhóm theo mức độ phong phú về sản lượng/số lượng phân bố ngoài tự nhiên là nhóm số lượng nhiều, phong phú và nhóm số lượng ít, hiếm gặp. Hầu hết các nhóm cá trong danh mục có tiềm năng nuôi cảnh ở Thừa Thiên Huế được đánh giá có số lượng ít hơn 10 năm trước. Mục đích chính khi khai thác các nhóm cá này là làm thực phẩm cho người, làm thức ăn cho động vật nuôi và làm cảnh. Ngoài các nhóm cá được khai thác với ba mục đích trên, một nhóm khác có giá trị cao về nuôi cảnh nhưng chưa được khai thác và sử dụng như cá Tỳ bà bướm, cá Neon Việt Nam, cá Kìm ao,…
  • Thử nghiệm thuần dưỡng thành công 04 đối tượng để đưa vào nuôi cảnh gồm cá Bướm chấm, cá Chạch mười sọc, cá Miệng giả và cá Cấn. Các thí nghiệm thuần dưỡng phục vụ cho nuôi cảnh thông qua các thử nghiệm về thức ăn, ngưỡng oxy hòa tan và nền đáy, giá thể. Kết quả thuần dưỡng cũng cho thấy cá Bướm chấm và cá Cấn có thể nuôi cảnh trong điều kiện oxy hòa tan thấp, tuy nhiên cá Chạch mười sọc và cá Miệng giả chỉ thích hợp mô hình nuôi cảnh có hàm lượng oxy hòa tan cao. Sau 6 tuần thuần dưỡng, cả 04 loài thử nghiệm có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

5. Sản phẩm

Các sản phẩm đề tài đạt được gồm:

  • 01 báo cáo khoa học về các loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế.
  • 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước.
  • 01 sách chuyên khảo “Một số loài cá nước ngọt khai thác tự nhiên có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế”.
  • 01 danh mục loài cá nước ngọt có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế.
  • 01 bộ ảnh tư liệu về các loài cá có tiềm năng nuôi cảnh tại Thừa Thiên Huế.
  • Quy trình nuôi 02 đối tượng cá cảnh nước ngọt.
  • 01 mô hình nuôi cá cảnh có hiệu quả.
  • 09 báo cáo/khóa luận tốt nghiệp Đại học, 01 báo cáo tốt nghiệp Cao đẳng.

6. Hiệu quả, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng

Có thể chuyển giao 02 quy trình nuôi cá cảnh nước ngọt (cá Bướm chấm và cá Cấn) và 01 mô hình nuôi cá cảnh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here