Những bất cập trong thâm canh lúa

0
89

Trong thập niên 90, chế độ thâm canh cao cây lúa đã bộc lộ rõ nhiều nhược điểm, một số kỹ thuật áp dụng của bà con nông dân đã vượt qua các giới hạn thúc đẩy sự tiến hóa của sâu bệnh nhanh hơn sự phát triển ra các giống mới, lần lượt các gen kháng trong cây lúa đã bị phá vỡ và thế là dịch hại xảy ra liên tục

Sự cần thiết thâm canh lúa

Có thể nói nhiều người trên thế giới trước đây biết đến VN vì chúng ta dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, còn ngày nay biết đến VN vì chúng ta đã vượt qua thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Hai thập kỷ thâm canh cây lúa, người VN đã làm thế giới ngạc nhiên về sức sáng tạo, kiên trì trong việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa mà cho đến nay vẫn chưa được các nước trong khu vực nghĩ tới. Cùng với sự đầu tư về thủy lợi, sức sáng tạo của người VN đã đưa năng suất lúa bình quân từ 3,298 T/ha năm 1990 lên 4,98 T/ha vào năm 2007.

Riêng vụ ĐX năng suất đã tăng từ 3,6 T/ha lên 5,71 T/ha, đặc biệt vùng SX lúa trọng điểm ĐBSCL năng suất một số tỉnh đã đạt gần 6,5 T/ha. Các TBKT bắt đầu từ công tác nghiên cứu lai tạo, nhập nội các giống lúa ngắn ngày từ những vật liệu khởi đầu được Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) gửi sang.

Song song nhiều giải pháp về canh tác học ra đời hỗ trợ thêm cho bà con nông dân giúp chuyển dần từ cấy sang gieo sạ thẳng. Phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV cũng góp phần rất lớn làm gia tăng dần năng suất không những cho lúa và nhiều loại cây trồng khác, nhờ vậy giá trị mà ngành trồng trọt mang lại đã tăng từ 49.604 tỷ đồng lên 114.333 tỷ đồng (giá so sánh 1994). Hai mươi năm qua, chúng ta chưa bao giờ bị mất mùa tuy vẫn có những thiệt hại do sâu bệnh, thiên tai nhưng an ninh lương thực được giữ vững và liên tục giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo.

So với các nước, VN chúng ta là nước nông nghiệp nhưng bình quân lại ít đất nông nghiệp nhất, dân tộc ta có nghề truyền thống trồng lúa nước nhưng bình quân lại có ít đất trồng lúa nhất. Thử so sánh, VN chúng ta hiện có trên 86,5 triệu dân nhưng chỉ có gần 4,2 triệu ha đất trồng lúa, bình quân chỉ 485 m2/người, còn Thái Lan có 63 triệu dân nhưng có tới 9,6 triệu ha trồng lúa nên bình quân của họ tới 1.500 m2/người, gấp hơn 3 lần chúng ta. VN hiện nay được xếp thứ 13 về dân số mà chưa kể đến mỗi năm lại có thêm 1 triệu trẻ em chào đời. Mật độ dân số chúng ta rất cao, cao gấp 2 lần so với Trung Quốc, gấp 6,7 lần so với quy chuẩn của thế giới. Đất chật, người đông nên việc thâm canh, tăng vụ là tất nhiên. Nhờ thâm canh mà giá trị sản lượng lúa trên 1 ha bình quân của ta đạt 1.300 USD/ha/năm (lấy giá gạo 400 USD/T), còn Thái Lan chỉ đạt 900 USD/ha/năm (lấy giá gạo 550 USD/T).

Những bất cập trong thâm canh lúa

Tuy nhiên sự phát triển nào cũng cần theo qui luật, nếu vượt ra ngoài các qui luật đó thì không những sản xuất không đạt yêu cầu mà còn bị thiệt hại lớn. Trong thập niên 90, chế độ thâm canh cao cây lúa đã bộc lộ rõ nhiều nhược điểm, một số kỹ thuật áp dụng của bà con nông dân đã vượt qua các giới hạn thúc đẩy sự tiến hóa của sâu bệnh nhanh hơn sự phát triển ra các giống mới, lần lượt các gen kháng trong cây lúa đã bị phá vỡ và thế là dịch hại xảy ra liên tục.

Nhóm nghiên cứu về lúa thâm canh ở IRRI gồm có T.W. Mew, Paul S Teng, Cassman, R. Zeigler*, KL.Heong, S.Savary cũng đã đề xuất ra nhiều giải pháp trong đó có việc hạn chế ngay việc sử dụng phân đạm liều lượng bón cao vì sẽ gây ra nhiều sâu bệnh do “tán lúa” quá dầy làm cho điều kiện tiểu khí hậu (nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng) bên trong ruộng lúa sẽ thay đổi có lợi cho sinh vật gây hại.

Bón phân đạm thừa cũng sẽ cung cấp trực tiếp thức ăn cho sinh vật hại. Ở ĐBSCL, tán lúa dày còn bởi mật độ sạ cao, ban đầu do kỹ thuật kiểm soát cỏ dại còn kém và chất lượng hạt giống không đảm bảo cho nên nông dân cần sạ dầy, riết rồi thành thói quen khó sửa. Nhiều nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và những nghiên cứu hợp tác quốc tế với JIRCAS Nhật Bản cho thấy có thể tiết kiệm hơn 50-60% lượng hạt giống mà năng suất vẫn không thay đổi. Ngoài việc bón thừa đạm làm tán lúa quá dày, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hại quá nhiều càng làm cho môi trường tự nhiên của cây lúa trở nên đơn điệu, thiếu vắng sự cân bằng vốn có và vì thế mà sinh vật gây hại càng có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Phương pháp sử dụng hóa học, về căn bản chỉ giải quyết nhất thời, căn cơ lâu dài nhất vẫn là các giải pháp giúp ngăn ngừa dịch hại trước khi xảy ra và thân thiện nhiều hơn với các điều kiện về môi trường giảm dần áp lực của sự tương tác ký sinh và ký chủ. Hơn thế nữa, một cơ cấu giống thích hợp cân đối giữa các tỉ lệ giống chống chịu và nhiễm bệnh chưa được chú ý. Với phương pháp gieo sạ thẳng dễ dàng cho nên thời vụ ở ĐBSCL càng trở nên phức tạp, lúc nào trên ruộng cũng có lúa, các giai đoạn sinh trưởng của lúa cứ nối tiếp nhau trên nhiều giống nhiễm bệnh còn chiếm diện tích lớn, đây cũng là cơ hội để sâu bệnh hại có thể tiếp tục phát triển đặc biệt là rầy nâu.

PGS.TS Phạm Văn Dư – nongnghiep.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here