Thực trạng quản lý rừng và ảnh hưởng của nó đến sinh kế của người dân miền núi Thừa Thiên Huế

0
226

Trường hợp ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nghiên cứu được thực hiện để phân tích thực trạng quản lý rừng và ảnh hưởng của nó đến hoạt động sinh kế của người dân qua phân tích quyền lực và mức độ ảnh hưởng của các bên liên quan. Thu thập số liệu thứ cấp, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu và khảo sát hộ được áp dụng để thu thập số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đời sống của người dân địa phương, nhất là người nghèo và đồng bào thiểu số vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng. Hiện tại hầu hết diện tích rừng trên địa bàn do Lâm trường quản lý. Người dân thiếu đất sản xuất, xã không có quyền quyết định trong quản lý dẫn đến việc xâm lấn đất đã gây nên mâu thuẫn trong sử dụng đất giữa người dân với Lâm trường. Quyền quyết định sử dụng đất rừng lớn nhất là Lâm trường trong khi người dân lại là đối tượng ảnh hưởng lớn nhất. Thảo luận với tất cả các bên liên quan và dựa trên phân tích của nhóm tác giả, một số giải pháp nhằm tạo nên sự bền vững trong quản lý rừng và sinh kế của người dân là: trước hết cần thu hồi một phần đất của Lâm trường giao cho người dân; sau đó cần tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn vay sau khi giao để người dân, nhất là người nghèo sử dụng hiệu quả đất được giao.

Từ khóa: Giao đất; mâu thuẫn; mức độ ảnh hưởng; Quản lý rừng; quyền lực; sinh kế.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng núi Thừa Thiên Huế có diện tích đất nông nghiệp rất ít, diện tích đất lâm nghiệp (có rừng và chưa có rừng) chiếm tỉ lệ rất cao (trên 70%). Rừng và đất rừng hiện tại vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong tiến trình quản lý rừng, các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ và chức năng một cách độc lập. Nhiệm vụ và hệ thống tổ chức lâm nghiệp các cấp không ổn định, chồng chéo và chưa đồng bộ. Hiệu quả của công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng và đất rừng vì vậy còn hạn chế. Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng quản lý tài nguyên rừng và ảnh hưởng của nó đến sinh kế của người dân miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết nhằm góp phần: (i) phát triển các giải pháp quản lý bền vững tài nguyên rừng và đất rừng, cũng như (ii) làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp sinh kế cho người dân địa phương.

Do hạn chế về nguồn lực, nghiên cứu chỉ tập trung vào trường hợp của xã Phú Vinh – một xã nằm gần thị trấn Bốt Đỏ của huyện nhưng đang gặp rất nhiều vấn đề về sử dụng đất và tài nguyên rừng.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Sử dụng một số công cụ của PRA:

Thu thập số liệu thứ cấp: bao gồm thông tin cơ bản và các báo cáo của xã Phú Vinh, huyện A Lưới và của một số cơ quan lâm nghiệp trên địa bàn huyện (hạt kiểm lâm, lâm trường).

Vẽ sơ đồ lát cắt và bản đồ tài nguyên có sự tham gia của người dân.

Phỏng vấn bán cấu trúc những người cung cấp thông tin nòng cốt (cán bộ xã, thôn, người dân có kinh nghiệm)

Phỏng vấn nhóm chuyên đề, bao gồm: (i) Nhóm lãnh đạo, 7 người là cán bộ các cơ quan chính quyền và đoàn thể xã; (ii) Nhóm nam nông dân thuộc các hộ khá: 7 người được chọn ở tất cả 4 thôn; Nhóm nữ nông dân thuộc các hộ nghèo gồm 8 người là đại diện ở cả 4 thôn trong xã.

Khảo sát hộ:

Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng đã được sử dụng để chọn 30 hộ phỏng vấn bằng bản hỏi, trong đó có 16 hộ dân tộc Pacoh ở thôn Phú Thượng và 14 hộ người Kinh ở 3 thôn còn lại.

Phỏng vấn sâu:

Phỏng vấn sâu đã được thực hiện với 03 già làng, 03 cán bộ xã, 01 cán bộ Lâm trường và 01 cán bộ Hạt kiểm lâm A Lưới.

2.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Thống kê mô tả đã được sử dụng để phân tích một số thông tin định lượng như tỉ lệ các nguồn thu nhập của hộ, cơ cấu sử dụng đất của hộ gia đình, tỉ lệ hộ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và quản lý rừng.

Phân tích định tính bằng phương pháp đơn giản hoá đoạn văn trong dữ liệu ghi chép được, phân tích theo chủ đề và nội dung

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tình hình chung của điểm nghiên cứu

Phú Vinh là một xã nằm ở phía Nam của huyện A Lưới, cách trung tâm huyện 8 km. Mặc dù ở gần thị trấn huyện nhưng diện tích đất nông nghiệp của xã lại rất ít (chỉ có 66,91 ha, chiếm 2,30% tổng diện tích đất tự nhiên). Địa hình dốc cùng với sự xói mòn nghiêm trọng đã làm cho sản xuất nông nghiệp đã hạn chế lại gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đời sống của người dân trong xã phải dựa chủ yếu vào tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích hành chính của xã rất rộng với tỉ lệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn (85%) nhưng lại thuộc quyền quản lý của các cơ quan lâm nghiệp đóng trên địa bàn huyện. Quỹ đất mà xã có quyền sử dụng rất ít, không đủ cho sản xuất lương thực, thậm chí thiếu cả đất thổ cư.

Toàn xã có 173 hộ với 947 khẩu, có 32,5% số hộ là dân tộc Pacoh, còn lại là người Kinh. Số hộ Kinh chủ yếu là các hộ kinh tế mới đến định cư tại xã sau năm 1975. Tỉ lệ hộ đói nghèo trong xã khá cao (39,3%), tập trung chủ yếu ở thôn Phú Thượng, nơi sinh sống của đồng bào Pacoh. Thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ khoảng 70.000đ/ tháng. Trình độ học vấn thấp cùng với đói nghèo, sản xuất nông nghiệp hạn chế và kém hiệu quả làm cho tài nguyên rừng bị xâm lấn, khai thác bất hợp pháp ngày càng gia tăng.

3.2. Tình hình biến động tài nguyên rừng trên địa bàn xã

3.2.1. Hiện trạng tài nguyên rừng

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.904 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 2.479 ha (chiếm 85%), bao gồm diện tích rừng sản xuất là 362,1 ha; diện tích rừng phòng hộ là 1.733,62 ha; và diện tích rừng trồng là 383,6 ha. Tổng diện tích đất trống chưa sử dụng là 224,87 ha (chiếm 7,7% tổng diện tích), trong đó đất bằng chưa sử dụng là 9,2 ha; đất đồi núi 178,17 ha; và đất núi đá không có rừng là 37,5 ha.

Quần thể loài của rừng tự nhiên rất đa dạng, có nhiều loại gỗ quí như lim, kiền kiền, …. và nhiều loại động vật quí hiếm như hổ, voi, rùa vàng,….. Rừng trồng chủ yếu là thông nhựa, keo và quế. Hầu hết rừng thông đang ở tuổi khai thác nhưng do trử lượng nhựa thấp nên không được khai thác. Keo mới được đưa vào trồng phổ biến trong vài năm lại đây và chưa đến tuổi khai thác. Đất trống đồi núi trọc ở đây chủ yếu là đất xấu, cằn cỗi do chịu ảnh hưởng của chất độc da cam trong chiến tranh, với thảm cây bụi chủ yếu là cỏ tranh, sim, mua.

3.2.2. Những biến động tài nguyên rừng

Nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn của xã đang bị suy giảm đáng kể. Dấu hiệu của sự suy giảm này được thể hiện qua sự biến động về quần thể các loài động, thực vật rừng theo thời gian. Kết quả thảo luận nhóm và phỏng vấn hộ đều cho rằng trữ lượng các loại lâm sản giảm mạnh so với trước đây. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sư suy giảm tài nguyên là sự khai thác quá mức, ảnh hưởng của chiến tranh, sự yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tác động của nền kinh tế thị trường. Trước năm 2000, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn và phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác lâm sản. Ngoài ra, người dân đến từ các xã lân cận, hoặc ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Bình,… cũng đến khai thác. Sự khai thác quá mức hồi phục của rừng đã dẫn đến trữ lượng rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Trước những năm 90, khi chưa thực hiện chính sách đóng cửa rừng, lâm trường A Lưới là cơ quan được giao quản lý bảo vệ rừng, nhưng hầu như chỉ tập trung vào việc khai thác rừng hơn là bảo vệ và phát triển rừng. Người dân cho rằng, lượng gỗ mà Lâm trường khai thác vào thời gian đó là quá lớn, làm cho rừng trở nên nghèo kiệt. Ngoài ra, do ảnh hưởng của chất độc Da cam trong chiến tranh đã làm cho tài nguyên rừng trên địa bàn xã bị tàn phá nặng nề, đất bị cằn cổi nên cây rừng khó có thể tái sinh và phát triển.

3.3. Vai trò của rừng đối với sinh kế của người dân Phú Vinh

3.3.1. Khai thác lâm sản là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ

Theo số liệu điều tra, 100% số hộ của xã có khai thác các sản phẩm rừng. Các loại lâm sản được khai thác chủ yếu là mật ong, mây, lá nón, củi, rau rừng, động vật rừng, gỗ,… Đối với người dân tộc Pacoh, việc khai thác các sản phẩm rừng đã có từ lâu đời. Bán sản phẩm khai thác đã trở thành nguồn thu nhập tiền mặt chủ yếu của các gia đình. Đối với người Kinh, khai thác mây, lá nón và củi gần như là một kế sinh nhai duy nhất của họ trong giai đoạn đầu khi họ mới đến định cư trên địa bàn xã. Khai thác gỗ, động vật rừng quí hiếm được xem là hoạt động phạm pháp, tuy nhiên do đời sống khó khăn nên người dân đã bất chấp. Tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật quí hiếm vẫn đang tiếp diến, chủ yếu tập trung ở thôn Phú Thượng nơi dân tộc Pacoh sinh sống.

Nguồn thu nhập từ rừng của các hộ có xu hướng giảm dần đối với cả hai nhóm hộ (Pacoh và Kinh). Sự phụ thuộc vào rừng có sự khác biệt giữa các nhóm hộ có điều kiện kinh tế khác nhau. Đối với nhóm hộ nghèo đói, hầu hết sản phẩm khai thác từ rừng được bán để kiếm tiền. Ngược lại, với hộ trung bình và khá, nhiều lâm sản khai thác như mật ong, động vật rừng, thậm chí mây, gỗ chủ yếu là để sử dụng trong gia đình. Tỉ lệ hộ khai thác lâm sản hiện tại cũng giảm đáng kể so với trước năm 2000. Các nguyên nhân chủ yếu là do sự cạn kiệt tài nguyên rừng, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, chế độ trợ cấp của nhà nước cho các gia đình chính sách và sự phát triển các ngành nghề, dịch vụ buôn bán nhỏ.

3.3.2 Khai hoang và sử dụng đất lâm nghiệp cho sản xuất nông nghiệp

Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp đang rất gay gắt ở địa phương nên người dân phải khai thác đất rừng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về mặt pháp lý, toàn bộ đất rừng thuộc địa bàn xã đều thuộc quyền quản lý và sử dụng của Lâm trường, người dân không có quyền khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, do không có đất sản xuất, người dân địa phương đã khai hoang và canh tác bất hợp pháp trên diện tích đất này.

3.3.3. Sử dụng rừng như là nguồn thức ăn cho chăn nuôi và bãi chăn thả

Rau và lá cây rừng là nguồn thức ăn phong phú sẵn có cho hoạt động chăn nuôiápTats cả (100%) số hộ chăn nuôi đã sử dụng đất nương rẫy để trồng rau lang, môn và một số loại rau khác làm thức ăn cho lợn và cá. Gần đây, người dân còn phát triển trồng cỏ voi, cỏ sả trên đất nương rẫy để làm thức ăn cho bò. Phương thức chăn nuôi bò, dê chủ yếu là thả rông trên rẫy hoặc trong rừng, đặc biệt với đồng bào dân tộc. Do vậy, đã nẩy sinh mâu thuẫn giữa Lâm trường và các hộ do thả gia súc vào rừng trồng của Lâm trường.

3.4. Các phương thức quản lý rừng tại địa phương

Kết quả khảo sát cho thấy, hiện tại ở Phú Vinh đang tồn tại 4 phương thức quản lý rừng chủ yếu như sau:

3.4.1. Quản lý nhà nước

Phương thức quản lý nhà nước hiện nay tồn tại rõ nét nhất và có quyền lực cao nhất trong việc ra các quyết định liên quan đến quản lý rừng trên địa bàn. Như đã đề cập ở phần trên, rừng và đất rừng ở Phú Vinh chiếm tỉ lệ rất lớn và chủ yếu thuộc quyền quản lý của Lâm trường và Hạt kiểm lâm A Lưới. Đây là 2 đơn vị đại diện cho nhà nước về quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, nhưng mỗi đơn vị có chức năng và nhiệm vụ riêng trong quản lý tài nguyên rừng.

Đặc điểm của phương thức quản lý này là thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà nước giao, với phương pháp tiếp cận từ trên xuống và chú trọng chủ yếu đến vấn đề kỹ thuật và lâm luật. Ưu điểm của hình thức quản lý này là nguồn nhân lực có trình độ (cả về kỹ thuật và hiểu biết lâm luật) nên có thể giải quyết tốt những vấn đề về chuyên môn như chống cháy rừng, dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật tạo giống, gây trồng và chăm sóc, xử lý vi phạm lâm luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh diện tích rừng và đất rừng lớn nhưng lại hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính lên phương thức quản lý rừng nhà nước tỏ ra kém hiệu quả cả về thực hiện lâm luật, phát triển vốn rừng và tạo lợi ích kinh tế xã hội. Kết quả phỏng vấn nhóm cho thấy: “quản lý nhà nước không chặt vì người ít nhưng diện tích lớn”; “ít phối hợp với địa phương và người dân trong trồng rừng, Lâm trường trồng rừng thông thuần không có giá trị kinh tế lại rất dễ cháy” (đánh giá của cán bộ lãnh đạo địa phương); “Lâm trường quản lý rừng thường bị cháy, chỗ bị cháy không thấy trồng lại, nhiều diện tích để hoang cho lau lách mọc mà không thấy trồng cây” (nhận xét của nhóm nam- hộ khá).

Quản lý rừng nhà nước theo phương pháp tiếp cận từ trên xuống đã không phát huy được tính tự chủ của các đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn. Các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng vì vậy được các đơn vị này thực hiện một cách thụ động, hết kinh phí là hết hoạt động, kinh phí đến chậm là lỡ kế hoạch, v.v. Dựa vào nguồn ngân sách được cấp, Lâm trường A Lưới đã thuê khoán người dân trên địa bàn bảo vệ và trồng rừng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, chính sách hưởng lợi và sự trao quyền không đầy đủ đã hạn chế hiệu quả bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Số hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng ít và ngày càng giảm.

Phương thức quản lý rừng nhà nước với sự nhấn mạnh vai trò và quyền lực của các cơ quan lâm nghiệp, thiếu sự tham gia và quyền hưởng lợi của người dân địa phương, vì vậy đã không thể đạt được mục tiêu bảo tồn bền vững tài nguyên rừng.

Quản lý của chính quyền xã: Quản lý nhà nước về rừng trên địa bàn Phú Vinh còn có sự tham gia của chính quyền xã. Hiện tại chính quyền xã đang quản lý 30 ha đất rừng (thực chất đây là đất Lâm trường A Lưới không sử dụng). Chính quyền xã đã sử dụng diện tích này như một quỹ đất dự phòng để cấp cho những hộ gia đình thiếu đất. Nhờ am hiểu rõ địa bàn và nhu cầu của người dân nên hình thức quản lý này được xem là chặt chẽ, thực hiện kịp thời và phù hợp với yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức quản lý này là đội ngũ cán bộ xã thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật về sử dụng đất, gây trồng và chăm sóc rừng. Thêm vào đó, việc hiểu biết pháp luật của cán bộ địa phương hạn chế, diện tích quản lý nhỏ, manh mún, rải rác cách xa nhau, không có nguồn ngân sách trợ giúp cùng với sự trao quyền không rõ ràng của nhà nước nên việc quản lý cũng còn nhiều hạn chế.

Mặc dù nhà nước giao cho Lâm trường quản lý nhưng đất chưa được qui hoạch, xác định trên thực địa, nhất là lại không có sự tham gia của chính quyền địa phương trong tiến trình giao đất cho Lâm trường. Vì vậy, ranh giới giữa đất Lâm trường và đất của xã không rõ ràng đã dẫn đến hiệu quả quản lý không cao và gây tranh chấp, mâu thuẫn trong sử dụng đất giữa lâm trường A Lưới và địa phương.

3.4.2. Quản lý cộng đồng

Phương thức quản lý này chỉ có ở nhóm dân tộc Pacoh, thôn Phú Thượng, nó xuất hiện và tồn tại lâu đời gắn liền với sự xuất hiện các bản làng của dân tộc Pacoh. Trước đây, phương thức quản lý cộng động đã tỏ ra rất hiệu quả với các luật tục bất thành văn nhưng lại được tuân thủ một cách chặt chẽ.

Trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện của phương thức quản lý nhà nước với các công cụ pháp luật đã phá vỡ mối quan hệ cộng đồng và làm suy giảm hiệu quả của phương thức quản lý này. Trong tiềm thức của người Pacoh, sự tồn tại của luật tục cộng đồng trong quản lý tài nguyên rừng đã rất mờ nhạt bởi họ nghĩ tất cả rừng và đất lâm nghiệp đã thuộc về nhà nước, họ không còn là người chủ của những cánh rừng như xưa nữa. Ngoài ra, cơ chế kinh tế thị trường cùng với sự xâm nhập của kiểu sống vun vén lợi ích cá nhân của các hộ người Kinh đã phá vỡ mối quan hệ cộng đồng truyền thống của người Pacoh. Một phụ nữ Pacoh khi được hỏi nên giao rừng cho ai quản lý để đạt hiệu quả cao, chị đã khẳng định rằng: “bây giờ chỉ giao cho hộ thôi, của nhà nào nhà ấy giữ, giao chung sẽ rất khó để xác định trách nhiệm”.

3.4.3. Quản lý hộ gia đình

Việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài chưa được thực hiện ở Phú Vinh. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Lâm trường A Lưới. Do ranh giới không rõ ràng, người dân lại thiếu đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã tự xâm lấn phần đất này của Lâm trường để trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp.

Do xâm lấn một cách tự phát nên diện tích đất lâm nghiệp do hộ gia đình quản lý ở Phú Vinh rất manh mún và hạn chế. Mặc dầu vậy, phương thức quản lý này khá hiệu quả vì rừng trồng được hộ gia đình giám sát chặt chẽ với trách nhiệm cao do ý thức được đó là tài sản của họ. Tuy nhiên, hình thức quản lý này cũng gặp nhiều thách thức: thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, khó khăn lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng do thực hiện độc lập theo hộ lên mối liên kết yếu dẫn đến điều kiện phát triển và bảo vệ kém.

Việc trồng cây lâm nghiệp phân tán, tự phát và chiếm dụng đất không hợp pháp dẫn đến mâu thuẩn giữa Lâm trường và người dân. Ngoài ra, người dân còn gặp khó khăn đó là không an toàn trong việc quyền bảo vệ và hưởng lợi từ sản phẩm của mình: “Đất ở đây rất ít, em có trồng được 50 cây keo rải rác quanh đồi thông của Lâm trường. Lâm trường nói nếu họ khai thác thông làm gẫy keo thì họ không chịu trách nhiệm vì đó là đất của họ” (một phụ nữ thôn Phú Xuân cho biết). Phương thức quản lý này ở Phú Vinh chỉ là tự phát do chiếm dụng một cách không hợp pháp đất của lâm trường để sử dụng, nguyên nhân chủ yếu là ranh giới đất của lâm trường không rõ ràng, và hiệu quả sử dụng đất của lâm trường hạn chế.

Tóm lại hiện tại có tới 3 phương thức quản lý rừng và đất lâm nghiệp đang tồn tại ở Phú Vinh. Mỗi hình thức có ưu nhược điểm riêng nhưng vấn đề ở đây là chủ quyền và ranh giới không rõ ràng, hoạt động chồng chéo, không tính đến các yếu tố văn hoá bản địa của cộng đồng. Điều này dẫn đến sự không bền vững trong quản lý rừng và đất rừng, gây mâu thuẩn trong sử dụng đất giữa Lâm trường, chính quyền xã và người dân địa phương.

Xem tiếp Trang 2

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here