Triển vọng từ máy bóp bóng ambu trợ thở

0
16

Tín hiệu tích cực từ việc sáng tạo thành công máy trợ thở cho động vật mở ra triển vọng cho việc chuẩn bị ý tưởng, dự án sản xuất máy trợ thở phục vụ công tác dự phòng chữa bệnh cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến dịch COVID-19.

Máy bóng bóng trợ thở trên động vật hiện đang được sử dụng tại Trung tâm Thú y OKADA PET HOSPITAL
Máy bóng bóng trợ thở trên động vật hiện đang được sử dụng tại Trung tâm Thú y OKADA PET HOSPITAL

TS. Vũ Văn Hải, Bác sỹ Thú y, giảng viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế cho biết, cách đây 2 năm trong quá trình chữa bệnh cho thú cưng, anh cùng các cộng sự đã sáng tạo máy bóp bóng ambu trợ thở cho động vật, nhất là trong quá trình phẫu thuật. Những ngày qua, bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia các nước đổ xô chế tạo máy trợ thở nên nhóm nghiên cứu của anh cũng mong muốn góp sức.

“Sau khi xem xét kỹ máy của họ, tôi giật mình khi thấy mô hình khá giống máy mình đang sử dụng. Từ đó, tôi muốn đề xuất để nghiên cứu, triển khai thử nghiệm phục vụ dự phòng cho y tế. Tất nhiên, tôi vẫn mong muốn các bệnh viện đáp ứng được máy móc hiện đại, nhưng tình huống xấu mà cần sử dụng thì có thể hỗ trợ được và mình sẽ cố gắng để cải tiến”, TS. Vũ Văn Hải cho hay.

Nguyên lý cơ bản của máy bóp bóng trợ thở không quá phức tạp. TS. Vũ Văn Hải phân tích: “Khi một bệnh nhân hoặc động vật không thở được, lúc đó phải đưa luồng khí vào phổi và nhân viên y tế có thể sử dụng quả bóng bóp để làm việc ấy. Nhưng nếu con người thao tác bóp mãi sẽ rất khó. Trong trường hợp này máy bóp sẽ hỗ trợ. Máy bóp bóng  dựa trên nguyên lý dùng áp lực dương (từ quả bóp) để đẩy luồng khí vào khí quản của động vật (hoặc trên người). Hệ thống sử dụng mô tơ gạt nước ô tô, thông qua bộ bánh răng giảm tốc sẽ kéo cánh tay đòn điều khiển bóp quả bóng, đẩy khí vào phổi một cách chủ động. Khí oxy từ bình chứa nối với quả bóp, sau khi bóp, đẩy khí vào phổi”.

TS.Trần Xuân Thịnh, Phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trường đại học (ĐH) Y dược Huế sau khi khảo sát hệ thống trên cho rằng, để khẳng định có thể sử dụng như một máy thở thì chưa hẳn, nhưng trong bối cảnh dịch lan rộng, có thể sử dụng máy bóp bóng tự động mà TS. Vũ Văn Hải cùng các cộng sự sáng chế để ứng dụng trong cấp cứu, nhất là trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. “Hai lợi ích của máy này là giải phóng sức lực cho nhân viên y tế và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giúp tránh nguy cơ lây nhiễm. Tôi nghĩ đây là ý tưởng khả thi”, TS. Trần Xuân Thịnh nói.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh hiện nay, các nước hiện đại cũng đang thiếu máy thở để phục vụ công tác chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19. Máy hiện tại đang sử dụng quả bóp bóng trên người. Để sản xuất máy thở phục vụ cho y tế, có thể cải tiến nhiều, nhất là kiểm soát lưu lượng khí.

Máy bóp bóng tự động giúp giải phóng sức lực cho nhân viên y tế
Máy bóp bóng tự động giúp giải phóng sức lực cho nhân viên y tế

PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm tiết lộ, thông tin từ các bệnh viện, giá thành mỗi máy thở khá cao, từ 500 triệu – 1 tỷ đồng. Nếu cải tiến, hoàn thiện được máy trợ thở từ nghiên cứu trên, trong tình huống khẩn cấp có thể dụng được và giá thành rẻ hơn nhiều,  đáp ứng được điều kiện nhanh, tại chỗ, dễ sử dụng.

Còn theo PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, sáng 2/4, các chuyên gia của ĐH Huế và Trường ĐH Y dược đã đi khảo sát để nghiên cứu, hình thành dự án sản xuất thử nghiệm máy trợ thở phục vụ công tác sự phòng chữa bệnh trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here