UBND tỉnh ban hành Thể lệ và Kế hoạch Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021

0
13

Ngày 14/5/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-UBND về Thể lệ Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021

Theo Thể lệ, đối tượng dự thi là các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và dự kiến có triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Mỗi tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2020

Đối tượng dự thi có thể đăng ký ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh và các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi có ứng dụng công nghệ, như: công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới và các loại công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.

Hồ sơ dự thi gồm 01 bộ, được trình bày bằng Tiếng Việt, không tẩy xóa, đánh máy trên khổ A4, bao gồm: Phiếu đăng ký dự thi theo mẫu đính kèm (Mẫu M-1a hoặc M-1b); Thuyết minh ý tưởng, dự án khởi nghiệp theo mẫu đính kèm (Mẫu M-2); Sản phẩm, mô hình, bản vẽ, phim ảnh, tài liệu kèm theo (nếu có). Mẫu hồ sơ dự thi và thông tin về Cuộc thi được đăng tải tại website: https://skhcn.thuathienhue.gov.vn.

Thời hạn nhận hồ sơ dự thi: đến 17 giờ 00, ngày 31/8/2021 tại Sở Khoa học và Công nghệ – Cơ quan thường trực Cuộc thi, địa chỉ: Số 24 đường Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; điện thoại: 0234.3833859 – Fax: 0234.3845093;

Theo Thể lệ, vòng sơ khảo: Hội đồng Giám khảo xét tuyển các hồ sơ dự thi để lựa chọn các hồ sơ xuất sắc tham gia vào vòng bán kết. Các hoạt động hỗ trợ: Tổ chức tập huấn về kỹ năng thuyết trình; lập kế hoạch; kết nối cố vấn khởi nghiệp cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp được chọn tham gia vào vòng bán kết.

Vòng bán kết: Hội đồng Giám khảo xét tuyển các hồ sơ dự thi để lựa chọn các hồ sơ xuất sắc tham gia vào vòng bán kết. Đại diện các tác giả của hồ sơ dự thi được lựa chọn từ vòng sơ khảo sẽ thuyết trình và trả lời câu hỏi trước Hội đồng Giám khảo, các nhà đầu tư, khán giả.

Vòng chung kết: Hội đồng Giám khảo lựa chọn các hồ sơ xuất sắc tương ứng với các mức hỗ trợ. Đại diện các tác giả của hồ sơ dự thi được lựa chọn từ vòng bán kết sẽ thuyết trình và trả lời câu hỏi trước Hội đồng Giám khảo, các nhà đầu tư, khán giả.

Ban Tổ chức Cuộc thi do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm trưởng ban; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Huế, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là thành viên. Ban Thư ký do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định thành lập, có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức triển khai các hoạt động của Cuộc thi. Hội đồng Giám khảo do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định, gồm: đại diện sở, ban, ngành; đại diện quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; doanh nhân, nhà khoa học; chuyên gia về khởi nghiệp.

Ban giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo 2020

Đối với tiêu chí chấm điểm ý tưởng, dự án khởi nghiệp, ý tưởng, dự án tham gia dự thi phải có tính đổi mới sáng tạo của ý tưởng, dự án. Khả năng thương mại hóa, khả năng tăng trưởng của ý tưởng, dự án. Mô hình/kế hoạch kinh doanh hoàn thiện của ý tưởng, dự án. Mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế-xã hội của ý tưởng, dự án mang lại. Nguồn lực thực hiện ý tưởng, dự án. Khả năng thuyết trình (đối với vòng chung kết). Các tiêu chí khác liên quan đến tính khả thi và hiệu quả của ý tưởng, dự án.

Cơ cấu giải thưởng Cuộc thi:

1. Giải thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh: trao giấy chứng nhận và tiền thưởng, cụ thể gồm: 01 Giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba mươi triệu đồng); 02 Giải nhì: trị giá mỗi giải 20.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi triệu đồng); 03 Giải ba: trị giá mỗi giải 15.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười lăm triệu đồng); 03 Giải khuyến khích: trị giá mỗi giải 5.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm triệu đồng). Trong đó: Nguồn kinh phí để trao giải thưởng được sử dụng từ các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Đối với các ý tưởng, dự án đạt giải nhì trở lên: Cơ quan thường trực Cuộc thi đề xuất với UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đặt hàng thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định).

2. Giải thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từ nguồn kinh phí của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp có thẩm quyền phê duyệt: trao giấy chứng nhận và tiền thưởng, cụ thể gồm: 01 giải A: 10.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười triệu đồng chẵn); 02 giải B, mỗi giải 5.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm triệu đồng chẵn).

Các hồ sơ đạt giải Cuộc thi được ưu tiên xét chọn hỗ trợ theo Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

Dân ca Huế trong Hòa tấu cổ điển của Đinh Thị Hoài Xuân đạt giải trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020

Cũng trong ngày 14/5/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.

Cuộc thi được tổ chức với mục đích khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) cho thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng; Lựa chọn, tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh, ươm tạo các ý tưởng, dự án KNĐMST tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; tập trung cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin. Thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, doanh nghiệp đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp hay và có tiềm năng phát triển.

Đối tượng được tham gia Cuộc thi là các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dự kiến triển khai và phát triển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Mỗi tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh đã cấp cho Sở Khoa học và Công nghệ năm 2021, từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và từ nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan chỉ đạo triển khai; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan thường trực Cuộc thi. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Tổ chức và ban hành Thể lệ Cuộc thi. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị có liên quan, triển khai thực hiện Kế hoạch này. Triển khai, phát động Cuộc thi; thông báo, tuyên truyền, quảng bá, vận động các thành phần tham gia bằng nhiều hình thức khác nhau; tổ chức hướng dẫn và tiếp nhận xử lý hồ sơ dự thi. Tập huấn, tọa đàm về kiến thức, kỹ năng KNĐMST cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân tham gia dự thi. Tổ chức tập huấn phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết nối cố vấn khởi nghiệp cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp được chọn tham gia vào vòng chung kết. Chuẩn bị, tổ chức các hoạt động hỗ trợ trong suốt quá trình diễn ra Cuộc thi…

Đại học Huế phối hợp tổ chức quảng bá, tuyên truyền và vận động giảng viên, sinh viên tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi. Chỉ đạo các trường đại học thành viên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên tham gia Cuộc thi.

Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh từ nguồn kinh phí của Quỹ theo phê duyệt kết quả Cuộc thi của UBND tỉnh; tuyển chọn tối đa 03 nhóm khởi nghiệp có tiềm năng phát triển nhất và đã bước qua giai đoạn “ươm mầm” bắt đầu tiến vào giai đoạn “khởi nghiệp” để cho vay hỗ trợ vốn theo quy định…

Tập tin đính kèm:

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here