Vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ đối với hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những giải pháp, chương trình lãnh chỉ đạo của Đảng uỷ nhiệm kỳ 2020 -2025

0
16

Trong không khí cả nước thi đua lập thành tích tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) tiến tới Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Đình Phùng – Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường về hoạt động Khoa học công nghệ (KHCN) – Hợp tác quốc tế (HTQT) của trường.

PV: Kính thưa PGS.TS. Lê Đình Phùng trong giai đoạn 2015-2020 hoạt động KHCN của Nhà trường đã được Đảng ủy khẳng định là một trong các hoạt động quan trọng. Vậy PGS có thể điểm lại những nét nổi bật nhất về lĩnh vực này trong 5 năm qua.

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Trước hết, cần khẳng định hoạt động KHCN đã được Đảng ủy xác định là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà trường, điều này được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020. Hoạt động này đã phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt về mặt số lượng và chất lượng. Hoạt động KHCN đã có đóng góp đáng ghi nhận trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nâng cao uy tín khoa học và xây dựng thương hiệu của Trường trong nước và quốc tế, nhiều nghiên cứu có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương khu vực miền Trung Tây nguyên và cả nước.

So với chỉ tiêu phấn đấu trong báo cáo chính trị của BCH Đảng Bộ trường ĐHNL tại Đại hội Đảng Bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 thì hoạt động KHCN trong giai đoạn 2015-3/2020 đã đạt được và nhiều chỉ tiêu vượt mức đề ra. Trong đó chỉ tiêu 10 sản phẩm NCKH cụ thể có giá trị khoa học và thực tiễn thiết thực phục vụ cho sản xuất đã đạt được 18 sản phẩm, đây là những sản phẩm ứng dụng có hợp đồng chuyển giao với các địa phương, thu về ngân sách và 10 sản phẩm mang thương hiệu của Trường đang được thương mại trên thị trường. Nhà trường đã xây dựng được và đang hợp tác KHCN với tất cả các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và 03 tỉnh Tây Nguyên. Mạng lưới hợp tác KHCN với các Trường, Viện nghiên cứu ngoài nước được cũng cố.

Quy mô hoạt động KHCN trong nhiệm kỳ qua đã tăng mạnh hơn so với nhiệm kỳ trước về số lượng và kinh phí thực hiện. So với giai đoạn 2010-2014, tổng kinh phí giai đoạn 2015-3/2020 là 64 tỷ đồng, cao hơn 36 tỷ đồng so với giai đoạn 2010-2014.

Về bài báo khoa học xuất bản: Giai đoạn 2015-3/2020, số lượng bài báo xuất bản trong nước và quốc tế tăng gấp 03 lần so với giai đoạn 2010-2014. Từ năm 2018 đến nay, trường ĐHNL là một trong các đơn vị trong Đại học Huế có số lượng bài báo quốc tế nhiều nhất thuộc danh mục WoS và Scopus được Bộ GD&ĐT và ĐHH khen thưởng.

Từ tháng 3/2017, Nhà trường đã xin được giấy phép hoạt động báo in để xuất bản Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp. Tạp chí đã được Hội đồng CDGSNN đánh giá và quyết định đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm từ năm 2019. Đến nay, mọi quy trình liên quan đến xuất bản của tạp chí đã được thực hiện online.

Đã có 06 nhóm nghiên cứu mạnh được Đại học Huế công nhận. Các nhóm nghiên cứu mạnh bước đầu đã có đóng góp tích cực vào xuất bản và kết nối quốc tế.

Hoạt động NCKH sinh viên đã được tăng lên về quy mô, chất lượng và đổi mới trong công tác tổ chức. Hoạt động NCKH của sinh viên đã được gắn kết với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn kết với NCKH của giáo viên.

Các Trung tâm trực thuộc Trường đã có đóng góp tích cực, đặc biệt là chuyển giao KHCN, xây dựng mối quan hệ với các địa phương. Các Trung tâm đã huy động hơn 40 tỷ đồng (hơn 75% dành cho cộng đồng địa phương) để thực hiện hơn 40 dự án dự án trong nước và quốc tế chủ yếu là phục vụ người nghèo, người dân tộc thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2018
Cán bộ, giảng viên trường ĐHNL đạt các giải thưởng Sáng tạo Khoa công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2018

PV: Có thể thấy rằng hoạt động KHCN đã có nhiều điểm đột phá nhưng theo PGS đâu là những khía cạnh mà hoạt động KHCN phát triển chưa đúng với tiềm năng, cơ hội của Nhà trường trong 5 năm qua

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Tuy hoạt động KHCN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, một số mặt vẫn chưa đáp ứng được mong đợi. Có thể điểm qua một số khía cạnh như sau:

Công tác kết nối hợp tác với các Bộ ngành trung ương, địa phương, Viện, Trường và các doanh nghiệp để phát triển KHCN còn hạn chế.

Sự gắn kết giữa KHCN và đào tạo chưa chặt chẽ, chưa thực sự tạo thành mô hình Research based education trong trường đại học. Mặc dù trang thiết bị được tăng cường cho các phòng thí nghiệm, tuy nhiên việc sử dụng để NCKH còn hạn chế, các phòng thí nghiệm bố trí còn phân tán, chưa tập trung thành các phòng thí nghiệm chuyên sâu, chuyên đề để phục vụ NCKH; chưa tách biệt được phòng thí nghiệm cho NCKH và phòng thí nghiệm phục vụ thực thành, thực tập của sinh viên.

Chưa có nhiều sản phẩm KHCN mang tính đột phá, tạo dấu ấn cho thương hiệu Nhà trường trong việc thu hút sự quan tâm của xã hội. Việc thương mại hóa các sản phẩm KHCN chưa tốt, do đó chưa tạo ra nhiều nguồn thu tăng thêm vào ngân sách của Trường. Số lượng bài báo quốc tế đã tăng mạnh, tuy nhiên nhiều bài xuất phát từ hợp tác quốc tế, hợp tác với các Nhà khoa học quốc tế, số lượng các bài báo quốc tế mang tính thuần HUAF còn chưa nhiều.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm NCKH sinh viên đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi ở cấp ĐHH và Bộ. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên còn mang tính phong trào, chưa chuyên nghiệp.

PV: Trường ĐHNL đã được đánh giá là một điểm sáng trong hoạt động HTQT của ĐHH cũng như các cơ sở đào tạo trong cả nước. PGS có thể cho biết những kết quả đạt được của hoạt động HTQT trong 5 năm qua.

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Đầu tiên phải khẳng định, HTQT là một thế mạnh và đã trở thành thương hiệu của Nhà trường. Hoạt động HTQT đã được khởi tạo ngay từ những ngày đầu mới thành lập trường. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nhà trường đã có những chương trình hợp tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn và định hình sự phát triển của Nhà trường đến ngày hôm nay. Hoạt động HTQT đã đóng tích cực trong việc định vị Nhà trường trên bản đồ các trường ĐH trên thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Phát huy truyền thống đó, trong 05 năm qua, hoạt động HTQT của nhà trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mặc dù bối cảnh hoạt động HTQT đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, đặc biệt là phương thức HTQT chuyển từ viện trợ sang hai bên cùng có lợi, từ xây dựng năng lực sang phát huy thế mạnh của mỗi bên. Cụ thể:

Hoạt động HTQT đã có đóng góp lớn cho việc xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất,  nâng cao chất lượng đào tạo, xuất bản quốc tế, nâng cao thương hiệu của Nhà trường. Một điểm nhấn là thông qua HTQT, Nhà trường đã tổ chức đào thành công chương trình tiến sĩ ngành chăn nuôi bằng tiếng Anh; đến nay đã có 04 NCS tốt nghiệp và 08 NCS khác đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Thông qua HTQT, Nhà trường đã tổ chức thành công hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, internship quốc tế, góp phần xây dựng chuẩn đầu ra về “công dân toàn cầu” cho sinh viên đáp ứng bối  cảnh hội nhập quốc tế về lao động.

Quy mô các chương trình dự án HTQT tiếp tục được giữ vững. Giai đoạn 2015-3/2020 đã có 34 đề tài, dự án được triển khai, trung bình mỗi năm có 06 đề tài, dự án HTQT. Đây là một kết quả đáng khích lệ, trong bối cảnh chuyển đổi phương thức HTQT giữa Việt nam và thế giới.

Mạng lưới hợp tác với các đối tác quốc tế tiếp tục được phát triển. Giai đoạn 2015-3/2020, đã tổ chức đón tiếp 435 đoàn khách quốc tế, với tổng số 1720 người . Đây là số lượng khách quốc tế đáng kể nhờ việc phát huy các mối quan hệ truyền thống và mở rộng hợp tác với đối tác mới. Nhà trường đã ký kết hợp tác với 16 đối tác với các trường đại học nước ngoài, trung bình ký 03 bản ghi nhớ hợp tác mỗi năm. Có 14 hội thảo quốc tế đã được tổ chức, ngoài ra trường đã tổ chức được 298 đoàn ra nước ngoài để công tác, với tổng số người là 411 lượt người đi công tác.

PV: Thực sự HTQT là thế mạnh của Nhà trường, tuy nhiên không thể nói hoạt động HTQT trong 05 năm qua luôn luôn đạt được mong đợi, vậy thưa PGS, đâu là những hạn chế của hoạt động này trong 05 năm qua.

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Đầu tiên phải khẳng định, chúng ta chưa bắt kịp tốt nhất với sự thay đổi trong phương thức HTQT. Điều này được thể hiện qua quy mô số lượng và kinh phí của các dự án HTQT chưa cao, chưa tương xứng với tiềm lực, tiềm năng của trường. Chưa có các dự án HTQT có kinh phí lớn như giai đoạn trước đây. Chưa có nhiều nhóm nghiên cứu đủ mạnh để tổ chức đăng ký thực hiện các đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế có quy mô lớn theo kiểu song phương, hai bên cùng có lợi, phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi bên. Hợp tác quốc tế trong đào tạo còn hạn chế, chưa có chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Chưa có nhiều sinh viên quốc tế đến học theo các chương trình trao đổi tín chỉ. Chưa có nhiều GS, giảng viên quốc tế đến tham gia giảng dạy và NCKH tại Nhà trường để góp phần xây dựng môi trường khu vực hoá, quốc tế hoá.

GS. Dirk De Craemer trình bày tại Hội thảo chia sẻ về cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học
GS. Dirk De Craemer trình bày tại Hội thảo chia sẻ về cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học

PV: Nhà trường đã chỉ ra đâu là những hạn chế trong hoạt động KHCN-HTQT, vậy theo PGS, vậy đâu là giải pháp để khắc phục những hạn chế và đưa hoạt động KHCN-HTQT của Nhà trường lên một nức thang mới.

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Để đưa hoạt động KHCN-HTQT của Nhà trường lên một nấc thang mới, xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh của Nhà trường, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng điểm như sau:

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KHCN và HTQT thông qua điều chỉnh, ban hành quy định quản lý theo hướng minh bạch, giao tự chủ, chịu trách nhiệm gắn với các chỉ tiêu cụ thể, các nhóm nghiên cứu, trong đó chú trọng vai trò của các bộ môn.

Xây dựng cơ chế khen thưởng, khuyến khích tài năng của nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu, chú trọng khen thưởng, tôn vinh các tác giả có bài báo quốc tế trên tạp chí khoa học có uy tín, giải thưởng KHCN, tác giả các sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa, đăng ký sở hữu trí tuệ, chủ nhiệm các đề tài, dự án có kinh phí lớn.

Tăng cường kết nối, ký kết hợp tác với các đối tác trong nước (cấp Quốc gia, Bộ, Tỉnh, Huyện, và doanh nghiệp) và quốc tế để tìm kiếm, xây dựng các đề tài, dự án có quy mô lớn về kinh phí. Chú trọng gắn kết với các tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên, trong đó gắn kết chặt chẽ với phát triển nông nghiệp – nông thôn ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành lập các nhóm NCKH mạnh cấp trường. Tăng cường xuất bản quốc tế thông qua quy định giao nhiệm vụ theo các vị trí việc làm và từng đơn vị cụ thể, cũng như cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đi kèm.

Tổ chức lại phòng thí nghiệm, theo hướng phòng thí nghiệm cho nghiên cứu kết hợp đào tạo để nâng cao được hiệu quả nghiên cứu và đảm bảo cho hoạt động đào tạo. Tìm kiếm nguồn kinh phí trong và ngoài nước để nâng cấp các phòng thí nghiệm.

Hoàn thiện bộ máy lãnh đạo của Tạp chí, phần mềm tạp chí online, và chất lượng phản biện để nâng cao chất lượng xuất bản. Phát triển tạp chí theo các tiêu chí của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và tiêu chí của Asean Citation Index (ACI).

Cùng với Đại học Huế, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để thương mại hoá, chuyển giao các sản phẩm KHCN và tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên và cán bộ.

Tăng cường hiệu quả hoạt động NCKH của SV thông qua tăng kinh phí nghiên cứu, gắn kết NCKH SV với các đề tài, dự án cấp cao hơn, tăng cường tập huấn phương pháp NCKH cho SV, lựa chọn các ý tưởng NCKH tốt để đầu tư trọng điểm.

Xây dựng cơ chế và quy định thống nhất để các Trung tâm trực thuộc trường hoạt động theo hướng tự chủ hoàn toàn và tự chịu trách nhiệm nhưng có đóng góp hợp lý vào nguồn thu, hỗ trợ công tác đào tạo, NCKH chung của Nhà trường.

Những giải pháp trên có thể được khái quát hoá vào 5 chương trình trọng điểm nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Các chương trình KHCN&HTQT trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chương trình 1: Hoàn thiện hệ thống quy định và cơ chế khuyến khích hoạt động KHCN để nâng cao sự đóng góp của KHCN vào đào tạo, xây dựng đội ngũ, xây dựng thương hiệu Nhà trường và tăng nguồn thu.

 Chương trình 2: Nâng cao vai trò của Nhà trường trong phát triển kinh tế xã hội, bền vững môi trường, đặc biệt ở khu vực miền Trung Tây nguyên thông qua phát triển các nhiệm vụ khoa học công nghệ với các địa phương, bộ ban ngành và doanh nghiệp.

Chương trình 3: Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên gắn với chuyển giao sản phẩm, xuất bản quốc tế và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của trường.

Chương trình 4: Hoàn thiện hệ thống quy định và cơ chế khuyến khích hoạt động HTQT để nâng cao sự đóng góp của HTQT vào đào tạo, xây dựng đội ngũ, kết nối khoa học quốc tế, xây dựng thương hiệu Nhà trường.

Chương trình 5: Tăng cường HTQT trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, gắn trách nhiệm HTQT đến cấp Khoa, Bộ môn phụ trách CTĐT, các TT trực thuộc.

Để đảm bảo thành công của 05 chương trình này, Đảng ủy Nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình; phân công cán bộ phụ trách chương trình, đơn vị chủ trì, phối hợp, gắn với trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện và kiểm điểm hàng năm.

Sản phẩm Dưa lưới theo quy trình công nghệ cao của trường đến tay người tiêu dùng
Sản phẩm Dưa lưới theo quy trình công nghệ cao của trường đến tay người tiêu dùng

PV: PGS kỳ vọng như thế nào về sự thành công của hoạt động KHCN-HTQT trong thời gian đến.

PGS.TS. Lê Đình Phùng: Sự nghiệp KHCN-HTQT của Nhà trường đang còn dài, nhưng có thể khẳng định những kết quả đã đạt được trong 05 năm qua đáng được trân trọng, đó là sự cố gắng không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà Trường, là sự kết tinh thành quả của nhiều thế hệ, sự chỉ đạo kịp thời của Đảng Uỷ, BGH và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác trong và ngoài nước. Định hướng trở thành Đại học nghiên cứu trong thời gian đến còn rất nhiều thách thức, còn dài nhưng cơ hội và tiềm năng cũng hiện hữu, với sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, sinh viên, với cơ chế chính sách phù hợp, với phương châm minh bạch, phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi cá nhân, đơn vị, nhất định sự nghiệp KHCN-HTQT tiếp tục phát triển mạnh, xứng đáng với truyền thống KHCN-HTQT của Nhà trường trong 53 năm qua.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. về buổi trao đổi hôm nay.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here