Số lượng của các loài vật nuôi lấy thịt truyền thống như bò, lợn, cừu…gia tăng không ngừng chiếm 2/3 đất canh tác của thế giới và sản sinh ra 20% lượng khí nhà kính, nguyên nhân được cho là đang làm trái đất ấm lên và có tác động chính đến biến đổi khí hậu. Do đó, Liên Hiệp Quốc và các quan chức cấp cao muốn phát triển giải pháp cắt giảm số lượng thịt truyền thống đang được tiêu thụ và tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Trong khi đó, nhân loại đang và sẽ đối mặt với khủng hoảng về nhu cầu thịt thực phẩm. Dân số thế giới đang tăng từ 6 tỷ lên tới 9 tỷ vào năm 2050 và con người ngày càng có nhu cầu tiêu thụ nhiều thịt. Cách đây 20 năm trung bình người ta tiêu thụ 20kg, nhưng bây giờ đã là 50kg và trong 20 năm tới con số đó sẽ là 80kg. Chính vì thế, dự thảo về việc sử dụng côn trùng thực phẩm làm thức ăn đang được Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) chính thức xem xét. FAO cũng đã tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này vào năm 2008 tại Thái Lan và đã có những kế hoạch cho đại hội thế giới vào năm 2013.
Giáo sư Arnoldvan Huis, một nhà côn trùng học ở trường Đại học Wageningen tại Bỉ , đồng thời là tác giả bản dự thảo của Liên Hiệp Quốc cho rằng việc ăn côn trùng rất có lợi. Rõ nhất là chế độ ăn bao gồm các côn trùng sẽ cung cấp lượng protein, vitamin và khoáng chất dồi dào. Nghiên cứu mới nhất của Van Huis thực hiện với các đồng nghiệp Dennis Oonincx đã chỉ ra rằng so với các vật nuôi khác thì việc nuôi côn trùng sản xuất khí nhà kính ít hơn. Mặt khác, việc nuôi các loài côn trùng ăn được như châu chấu, dế và sâu sẽ sản sinh ra khí mê-tan ít hơn 10 lần so với các loại vật nuôi khác. Ngoài ra, những con côn trùng cũng sản xuất khí oxit nitơ và ammonia ít hơn nhiều. Đặc biệt, côn trùng chuyển đổi thực vật thành protein cực kỳ hiệu quả. Hơn nữa, những rủi ro sức khỏe cũng thấp hơn.
Hiện nay, hơn 1.000 loài côn trùng được 80% dân số trong 1 nước trên toàn thế giới lựa chọn để ăn. Chúng thường được phổ biến trong vùng nhiệt đới bởi nơi đó chúng có điều kiện để phát triển đến kích thước lớn nhất và cũng rất dễ thu hoạch. Quan chức cấp cao của FAO Patrick Durst đã giúp thiết lập một dự án nuôi côn trùng ở Lào bắt đầu vào tháng tư. Dự án này liên quan đến việc chuyển giao các kỹ năng của 15.000 hộ gia đình nông dân nuôi châu chấu ở biên giới Thái Lan. Durst nói rằng sự ưu tiên của FAO sẽ thúc đẩy việc ăn côn trùng. Điều này sẽ mang lại nguồn sinh kế cho người dân và giúp bảo vệ rừng tốt hơn.
Trước tiên,côn trùng có thể được nuôi như gà và cá. Sau đó, chúng có thể được sử dụng như nguyên liệu.
Một số nước trên thế giới đã đưa côn trùng vào các bữa tiệc chiêu đãi của mình. Ví dụ như Thái Lan, Lào, Campuchia,… món ăn thịnh hành trên thị trường chính là côn trùng rán. Ở Trung Quốc thì có món trứng kiến. Còn ở Papua New Guinea là sâu, chuồn chuồn, côn trùng cánh cứng được nướng lên và trở thành thức ăn yêu thích của người dân nơi đây. Ở nhiều vùng của châu Phi, sâu mopane (một loài ngài sống dựa vào cây mopane) lại là món ăn đặc biệt phổ biến.
Có thể thấy rằng côn trùng chính là thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đồng thời chúng cũng góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu về thức ăn của toàn thế giới.
Thế còn bạn, những độc giả của HUAF online, các bạn đã từng và sẽ thử món ăn nhiều khoáng chất và đặc biệt này không? Sẽ bắt đầu từ đâu? Hay hãy bắt đầu từ những nghiên cứu để tạo những sản phầm côn trùng thực phẩm mang thương hiệu HUAF. Chúc ngon miệng và thành công.