Hiện trạng và giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi lợn thịt tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

0
129

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là phát hiện yếu tố hạn chế, đề xuất và thử nghiệm giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt ở các hộ nông dân tại huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.

Kết quả cho thấy các hộ điều tra có quy mô chăn nuôi khá lớn: 9,37 con/hộ, trong đó tỷ lệ lợn thịt chiếm khoảng 75% tổng đàn. Khoảng 96% các hộ chăn nuôi lợn theo phương thức tận dụng. Lợn lai F1 giữa lợn nái Móng cái với lợn đực ngoại Yorkshire hoặc Landrace có tăng trọng trong thời gian nuôi thịt cao hơn so với lợn lai F2 ¾ máu ngoại, 453 g/ngày đêm so với 403 g/ngày đêm (P <0,001). Trong điều kiện thực tế chăn nuôi ở Quảng Trạch, các yếu tố về nguồn thức ăn, dịch bệnh, chuồng trại và con giống không phải là các yếu tố hạn chế đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt. Yếu tố hạn chế là chế độ nuôi dưỡng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của con vật. Hàm lượng protein và năng lượng trong khẩu phần thấp hơn nhiều so với nhu cầu của con vật, đặc biệt là đối lợn lai F2 ¾ máu ngoại. Việc áp dụng quy trình nuôi dưỡng mới đối với lợn lai ¾ máu ngoại nhằm đáp ứng cầu năng lượng và protein cho lợn dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có đã nâng cao tốc độ sinh trưởng đàn lợn 34,19% (544,19 g/ngày đêm so với trước đây là 403,12 g/ngày đêm) và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi là 243.870 đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng (426.870 đồng so với trước đây là 183.000 đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng).

Từ khóa: Lợn lai, quy trình, hiệu quả, thức ăn và nuôi dưỡng

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chăn nuôi lợn nói chung, chăn nuôi lợn thịt nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất và đời sống của người dân huyện Quảng Trạch. Nhưng cũng như nhiều địa phương khác, chăn nuôi lợn thịt ở Quảng Trạch đã và đang gặp phải những khó khăn nhất định như năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi chưa cao, sản phẩm thịt lợn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để giúp người chăn nuôi lợn thịt ở Quảng Trạch giải quyết những khó khăn đó, trong những năm gần đây một số chương trình, dự án của Chính phủ và của các tổ chức Phi chính phủ đã chuyển giao một số tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn cũng như qui trình chăn sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt cho các nông hộ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đánh giá hiện trạng chăn nuôi lợn thịt ở những hộ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phát hiện yếu tố hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi lợn thịt. Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu này.Mục tiêu chính của nghiên cứu là (i) Đánh giá hiện trạng chăn nuôi lợn thịt; (ii) Xác định yếu tố hạn chế đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi lợn thịt và đề xuất giải pháp để khắc phục yếu tố hạn chế đó; (iii) Thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của giải pháp đề xuất.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng và nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành trên các hộ chăn nuôi lợn thịt đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đàn lợn thịt của các hộ đó ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nghiên cứu gồm có 3 nội dung chính: (i) Đánh giá hiện trạng chăn nuôi lợn thịt tại các hộ nông dân ở huyện Quảng Trạch (qui mô chăn nuôi, cơ cấu đàn, giống, khả năng sinh trưởng, hiệu quả chăn nuôi lợn thịt); (ii) Theo dõi chế độ nuôi dưỡng chăm sóc lợn F2(Móng Cái x Ngoại) x Ngoại tại nông hộ; (iii) Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng qui trình nuôi dưỡng mới cho lợn lai F2 (Móng Cái x Ngoại) x Ngoại.

Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá hiện trạng chăn nuôi lợn thịt ở các hộ đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn bằng bản hỏi đã được thiết kế để thu thập các thông tin cần thiết. Tổng số 95 hộ thuộc 10 xã của huyện Quảng Trạch đã được điều tra đánh giá. Các hộ được điều tra là những hộ sản xuất nông nghiệp, có lao động, đất đai, có chăn nuôi lợn thịt và đã được tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật thông qua các hoạt động như tập huấn, tư vấn kỹ thuật và tham quan các mô hình chăn nuôi. Các thông tin: nhân khẩu và lao động, cơ cấu đất đai, cơ cấu giống lợn được thu thập tại thời điểm điều tra. Các thông tin về chi phí cho chăn nuôi, năng suất chăn nuôi lợn là thông tin của năm 2007. Các chỉ tiêu kinh tế điều tra bao gồm thu nhập cận biên chăn nuôi lợn và thu nhập cận biên trên một đơn vị ngày công lao động, trên đầu người, và trên một đơn vị tiền tệ đầu tư cho chi phí biến động. Các chỉ số này được tính toán theo phương pháp của Lê Đức Ngoan và các cộng sự (2002). Khả năng sinh trưởng của lợn lai F1(Móng cái x Ngoại) và lợn lai F2 (Móng cái x Ngoại) x Ngoại được xác định bằng chỉ tiêu tăng trọng (g/ngày đêm) thông qua các thông tin về khối lượng ban đầu, khối lượng xuất chuồng và thời gian nuôi của mỗi cá thể lợn. Nghiên cứu đã tiến hành trên 125 con lợn thịt F1 và 178 con lợn thịt F2. Đối tượng lợn ngoại trong các phép lai tạo ra con lai F1và F2 chủ yếu là giống lợn Yorkshire.

Các thông tin lượng hóa chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc lợn thịt F2(Móng Cái x Ngoại) x Ngoại trong nông hộ được thu thập trực tiếp trên 8 hộ có chăn nuôi lợn thịt F2 (Móng Cái x Ngoại) x Ngoại ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau.

Khả năng sản xuất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt F2 (Móng Cái x Ngoại) x Ngoại theo qui trình nuôi dưỡng mới được đề xuất dựa trên khuyến cáo của Hội chăn nuôi Việt Nam và nguồn thức ăn sẵn có của địa phương được xác định bằng các phương pháp thường quy.

Các số liệu được thu thập, xử lý bằng phương pháp thống kê mô tả và thống kê suy diễn sử dụng phần mềm Genstat version 7.0 (2004). Các kết quả được trình bày là giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Quy mô, cơ cấu đàn và cơ cấu giống lợn của các hộ điều tra (Bảng 1)

Quy mô chăn nuôi tại thời điểm điều tra là 9,36 con/hộ. Trong đó, tỷ lệ lợn lai chiếm khoảng 87% còn lại là lợn nội và lợn ngoại, mỗi loại chiếm khoảng 6,5% trong tổng đàn. Lợn ngoại chủ yếu là giống Yorkshire và một số ít là Landrace. Lợn nội chủ yếu là giống Móng Cái. Trong tổng đàn, tỷ lệ lợn nái sinh sản chiếm khoảng 15% còn lại lợn thịt chiếm 75%. Bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 7,99 con lợn thịt và 1,37 con lợn nái, như vậy, tỷ lệ lợn nái trong tổng đàn là tương đối cao. Kết quả này là hợp lý bởi vì các hộ điều tra là những hộ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn, đồng thời là những hộ có quy mô chăn nuôi lớn hơn so với trung bình quy mô chăn nuôi của cộng đồng. Ở các hộ điều tra tồn tại cả ba đối tượng lợn nái: nái nội, nái lai và nái ngoại. Nái nội và nái lai chiếm tỷ lệ tương đương nhau, trong khi đó nái ngoại chiếm tỷ lệ thấp hơn, khoảng 9,4% tổng đàn lợn nái.

Bảng 1: Quy mô, cơ cấu đàn và cơ cấu giống lợn của hộ điều tra (n=95 hộ)

Chỉ tiêu

Lợn nội

Lợn lai

Lợn ngoại

Tổng số

Qui mô chăn nuôi (con/hộ) 0,64 ± 1,18 8,11 ± 6,00 0,61 ± 2,98 9,36 ±6,31
Số lợn nái (con/hộ) 0,52 ± 0,94 0,73 ± 1,01 0,13 ± 0,67 1,37 ±1,46
Số lợn thịt (con/hộ) 0,13 ± 0,70 7,38 ± 5,86 0,48 ± 2,38 7,99 ±5,28

Như vậy, xem xét trên góc độ con giống và nguồn cung cấp con giống cho chăn nuôi lợn thịt, thì các hộ điều tra hoàn toàn có thể cung cấp đầy đủ số lượng và chủng loại con giống. Kết quả này cho phép đưa ra nhận xét rằng con giống không phải là yếu tố hạn chế cho phát triển chăn nuôi lợn ở các hộ điều tra.

Khả năng sinh trưởng và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt ở các hộ điều tra

Khả năng sinh trưởng của lợn được trình bày ở bảng 2.

Bảng 2: Khả năng sinh trưởng của lợn F1(MCxNgoại) và lợn F2 (MCxNgoại) x Ngoại

Chỉ tiêu

F1 (MCa x Ngoạib)

n = 125

F2(MCxNgoại) x Ngoại

n = 178

P

Khối lượng ban đầu (kg/con) 9,12 ± 4,20 8,36 ± 4,50 0,14
Khối lượng xuất bán (kg/con) 59,26 ±9,00 60,16 ± 8,50 0,13
Thời gian nuôi (ngày) 117,23 ± 29,85 132,70 ± 22,34 0,00
Tăng trọng (g/ngày đêm) 453,20 ± 134,52 403,12 ± 80,35 0,00

a: Lợn Móng Cái, b: Lợn ngoại, chủ yếu là lợn Yorkshire

Số liệu ở bảng 2 cho thấy lợn được đưa vào nuôi thịt có khối lượng trung bình khoảng 8,5 kg và xuất chuồng ở khối lượng khoảng 60 kg. Trong điều kiện chăn nuôi trong nông hộ ở Quảng Trạch cả hai chỉ tiêu trên đều không phụ thuộc vào giống lợn nuôi thịt (P>0,05). Tuy nhiên, thời gian nuôi thịt khác nhau ở lợn F1 và F2, lần lượt là 117,23 ngày và 132,70 ngày/chu kỳ sản xuất. Lợn lai F2cần thời gian nuôi dài hơn 15 ngày so với lợn lai F1 để đạt trọng lượng xuất chuồng 60 kg (P < 0,001). Sự khác nhau về thời gian nuôi dẫn đến sự khác nhau về tăng trọng (g/ngày đêm) của lợn. Kết quả thú vị cho thấy lợn lai F1 có tăng trọng cao hơn so với lợn lai F2, 453 g/ngày đêm so với 403 g/ngày đêm (P <0,001). Bảng 3 trình bày hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt.

Bảng 3: Hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt ở các hộ điều tra năm 2007 (n=95 hộ)

Chỉ tiêu

Giá trị

trung bình

Giá trị

nhỏ nhất

Giá trị

lớn nhất

Chi con giống (đồng)

4.673.011

150.000

18.000.000

Chi thức ăn (đồng)

11.444.860

815.000

72.800.000

Chi phí thú y (đồng)

134.394

0

1.195.000

Chi phí khác (đồng)

654.454

0

4.140.000

Tổng chi (đồng)

16.493.504

974.000

92.570.000

Tổng thu (đồng)*

20.831.784

800.000

126.225.000

Thu nhập cận biên (đồng)**

4.338.280

– 2.626.500

35.373.750

Thu nhập cận biên/kg khối lượng xuất chuồng (đồng)

3.054

– 10.760

12.762

Thu nhập cận biên/đồng vốn đầu tư

0,29

– 0,40

1,69

Thu nhập cận biên/nhân khẩu (đồng)

1.165.803

– 1.108.000

17.686.875

* Không bao gồm thu nhập từ phân lợn; ** Thu nhập cận biên (đồng) = Tổng thu nhập từ chăn nuôi lợn (đồng) – Chi phí biến động (đồng)

Bình quân mỗi hộ đầu tư khoảng 16.493.504 đồng/năm cho chăn nuôi lợn thịt. Trong đó chi phí cho thức ăn chiếm khoảng 70%, chi phí giống 28% và chi phí thú y 0,81% tổng chi. Thu nhập cận biên chăn nuôi lợn thịt/hộ/năm là 4.338.280 đồng. Tuy nhiên có sự biến động lớn về các khoản chi phí và thu nhập cận biên từ chăn nuôi lợn thịt giữa các hộ điều tra thể hiện rõ qua các giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất.

Thu nhập cận biên/kg khối lượng lợn xuất chuồng là 3.054 đồng. Điều này có nghĩa là tương ứng với mỗi con lợn xuất chuồng 60 kg nuôi trong khoảng 4 tháng, hộ chăn nuôi có thể thu lãi khoảng 183.000 đồng. Tương ứng với mỗi một đơn vị tiền tệ đầu tư, hộ chăn nuôi có thể thu được 1,29 đồng lợi nhuận. Tương ứng với mỗi nhân khẩu tham gia vào chăn nuôi lợn thì có thể thu được lợi nhuận khoảng 1.165.803 đồng/năm.

Nguồn thức ăn, chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn

Để tìm hiểu nguyên nhân tăng trọng thấp của lợn lai ¾ máu ngoại, chúng tôi đi sâu nghiên cứu nguồn thức ăn, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn thịt nói chung và lợn lai ¾ máu ngoại nói riêng. Các nguồn thức ăn nuôi lợn chủ yếu bao gồm: cám gạo, sắn nghiền, khoai nghiền, ngô và hèm rượu. Các loại thức ăn này xuất phát từ hai nguồn chính: nguồn tự có của gia đình từ sản xuất trồng trọt và nguồn mua từ bên ngoài.

Về nuôi dưỡng, kết quả điều tra cho thấy 95,8% (91/95) số hộ áp dụng hình thức chăn nuôi tận dụng không bổ sung thức ăn công nghiệp. Số hộ sử dụng thức ăn công nghiệp cho lợn chiếm tỷ lệ rất thấp, 4,2% (4/95 hộ) và chỉ bổ sung vào giai đoạn cuối của quá trình nuôi thịt. Toàn bộ các hộ điều tra đều thực hiện tắm chải và tẩy giun sán cho lợn trước khi bắt đầu nuôi thịt. Việc tiêm phòng vắcxin cho lợn thịt đạt tỷ lệ khá cao chiếm 89,5% các hộ điều tra. Có đến 96,8% hộ điều tra có chuồng trại đảm bảo yếu tố kỹ thuật cho chăn nuôi lợn thịt.Kết quả theo dõi trực tiếp chế độ dinh dưỡng của lợn thịt được trình bày ở bảng 4.

Bảng 4: Chế độ dinh dưỡng thực tế so với nhu cầu của lợn F2

Ngoại x (Ngoại x Móng Cái), n= 22 con

Chế độ dinh dưỡng

Giai đoạn sinh trưởng

Lợn từ 10-30 kg

Lợn từ 31-70 kg

Thực tế

Nhu cầu

Thực tế

Nhu cầu

MEa/kg thức ăn (Kcal)

2620

2900-3000

2710

2900-3020

CPb trong thức ăn (%)

12,01

17

11,14

15

a: Năng lượng trao đổi; b: Protein thô;

Qua bảng chúng tôi nhận thấy chế độ dinh dưỡng mà người chăn nuôi ở Quảng Trạch đang áp dụng cho lợn lai ¾ máu ngoại chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Kết hợp với việc phân tích hệ thống chăn nuôi lợn ở trên, có thể giải thích rằng lợn lai ¾ máu ngoại nuôi trong nông hộ ở Quảng Trạch có tốc độ sinh trưởng chậm (403,12 gam/ngày đêm) và thấp hơn lai F1 50% máu ngoại không phải do các yếu tố chuồng trại, chăm sóc gây nên mà do chế độ nuôi dưỡng chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của lợn. Điều này phù hợp với kết luận: lợn lai F2 (75%) máu ngoại có tiềm năng di truyền về khả năng tăng trọng và khả năng sản xuất thịt cao hơn so với lợn lai F1. Tuy nhiên, tiềm năng di truyền này chỉ được phát huy khi điều kiện dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của con vật (Nguyễn Đức Hưng et al., 2006).

Chế độ nuôi dưỡng mới và hiệu quả áp dụng quy trình vào sản xuất

Từ thực tế lợn ¾ máu ngoại được nuôi với mức năng lượng và potein thấp hơn so với nhu cầu, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi:khi nuôi lợn lai ¾ máu ngoại cần đảm bảo trong khẩu phần hàm lượng protein thô 17%, 15% và mật độ năng lượng trao đổi tương ứng là 2900-3000 và 2900-3020 Kcal/kg thức ăn cho 2 giai đoạn nuôi 15 -30 kg và 31-70 kg (Cẩm nang chăn nuôi lợn, 2002). Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn các nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, bổ sung thức ăn giàu protein, căn cứ vào giá trị dinh dưỡng của chúng (Thành phần và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc- gia cầm Việt Nam, 2001) để phối hợp các khẩu phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của lợn thịt ¾ máu ngoại có giá thành thấp.

Bảng 4a: Đề xuất khẩu phần nuôi lợn thịt ¾ máu ngoại ở Quảng Trạch

(Đvt: kg nguyên liệu/100 kg hỗn hợp)

Nguyên liệu

Trọng lượng lợn

Giai đoạn 10-30 kg

Giai đoạn 31-70 (kg)

Cám gạo

Gạo tẻ

Bột ngô

Bột sắn

Đậm đặc (Ng.Việt 1080)

Muối ăn

Tổng

——————————

Hàm lượng CP (%)

ME (Kcal/kg TĂ)

Giá thành (đ/kg TĂ)

36,5

5

19

15

24

0,5

100 kg

————————-

17

2918,26

7045

38,5

5

18

19

19

0.5

100 kg

———————-

14,97

2913,47

6595

Bảng 4b: Lượng thức ăn và nước uống cho 1 lợn thịt/ngày đêm ở các giai đoạn sinh trưởng

Khối lượng lợn (kg)

Lượng thức ăn (kg)

Nước uống

10 -30

1,0 – 1,5 (tốt nhất là cho ăn tự do)

Tự do

31-70

1,5 – 3,0 (tốt nhất là cho ăn tự do)

Tự do

Để đánh giá hiệu quả của giải pháp dinh dưỡng được đề xuất, chúng tôi đã bố trí thí nghiệm theo dõi khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của việc nuôi lợn ¾ máu ngoại trong nông hộ theo qui trình đã được hoàn thiện. Tổng số 22 lợn lai ¾ máu ngoại (Yorkshire x (Yorkshire x Móng Cái) tương đối đồng đều về mọi mặt: giống, tuổi, khối lượng ban đầu (bình quân 10,5 kg) được nuôi ở 4 hộ có điều kiện chăn nuôi tương tự nhau. Lợn được nuôi với tiêu chuẩn và khẩu phần như trên, được cung cấp nước uống sạch,đầy đủ thông qua hệ thống cungcấp nước tự động và được cho ăn theo bữa (3-4 bữa/ngày).Thời gian thí nghiệm là 80 ngày.Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng 5.

Bảng 5: Khối lượng (kg/con), tốc độ sinh trưởng (g/ngày đêm) và tiêu tốn thức ăn (kg TĂ/kg tăng trọng) của lợn thí nghiệm (n=22 con)

Các chỉ tiêu

Y x (Y x MC)

Khối lượng bắt đầu nuôi thịt

10,50 ± 0,64

Khối lượng sau 30 ngày nuôi

22,72 ± 0,74

Khối lượng sau 60 ngày nuôi

42,25 ± 4,06

Khối lượng sau 80 ngày nuôi

54,84 ± 1,06

Tăng trọng TB trong TG nuôi

554,19 ± 17,11

Tiêu tốn thức ăn TB/kg tăng trọng

2,68 ± 0,18

Số liệu ở bảng 5 cho thấy, lợn thí nghiệm lúc bắt đầu nuôi có khối lượng trung bình 10,5 kg/con. Khối lượng của lợn qua các tháng nuôi tăng dần phản ánh đúng qui luật sinh trưởng chung của gia súc, tuy nhiên tốc độ sinh trưởng trung bình của lợn là 554,19 g/ngày đêm cao hơn nhiều (151,07 g/ngày đêm tương ứng 34,19%) so với kết quả điều tra thực tế trên đàn lợn ¾ máu ngoại hiện đang nuôi tại địa phương (403,12 g/ngày đêm). Kết quả này cũng cao hơn đáng kể so với kết quả nghiên cứu trước đây trên một số tổ hợp lợn lai ¾ máu ngoại khác: ở lợn lai Yorkshire x (Yorkshire x Móng Cái) là 536 g/ngày đêm; lợn Landrace x (Yorkshire x Móng Cái) là 478 g/ngày đêm; ở lợn Yorkshire x (Landrace x Móng Cái) là 451 g/ngày đêm (Nguyễn Đức Hưng et al., 2000). Tiêu tốn thức ăn (kg thức ăn/kg tăng trọng) ở lợn thí nghiệm là 2,68 kg, khá thấp so với các kết quả nghiên cứu trước đây: 3,34 kg thức ăn/kg tăng trọng (Nguyễn Đức Hưng et al., 2000); 3,25 kg thức ăn/kg tăng trọng (Nguyễn Kim Đường & Trần Tự Do, 2000). Kết quả này cho thấy tổ hợp lợn lai ¾máu ngoại (Yorkshirex (Yorkshire xMóng Cái)nuôi theo khuyến cáo của Hội Chăn nuôi Việt Nam và bằng khẩu phần do chúng tôi đề xuất có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, do đó chi phí thức ăn để sản xuất ra 1 kg thịt lợn thấp hơn.

Hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn là một yếu tố quan trọng quyết định tính bền vững của hệ thống chăn nuôi. Bảng 6 trình bày các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt khi áp dụng quy trình mới.

Bảng 6: Hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt (đồng/con/lứa), n=22 con

Chỉ tiêu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Chi con giống (đồng)

537.500

25.000

Chi thức ăn (đồng)

830.391

74.926

Chi phí thú y (đồng)

13.883

12.073

Chi phí điện (đồng)

17.625

1.817

Tổng chi (đồng)

1.399.399

87.052

Tổng thu (đồng)*

1.826.275

61.168

Thu nhập cận biên (đồng)**

426.870

113.480

* Không bao gồm thu nhập từ phân lợn; ** Thu nhập cận biên (đồng) = Tổng đầu ra – Chi phí biến động

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình chăn nuôi lợn thịt đầu tư trong một chu kỳ sản xuất khoảng 1.399.399 đồng/lợn. Trong đó chi phí thức ăn chiếm khoảng 59,34%, chi phí con giống chiếm khoảng 38,4% và chi phí thú y chiếm khoảng 0,92% còn lại là các chi phí khác. Thu nhập cận biên chăn nuôi lợn thịt/lợn xuất chuồng là 426.870 đồng. Điều này có nghĩa là tương ứng với mỗi con lợn xuất chuồng 60 kg nuôi trong khoảng 80 ngày, hộ chăn nuôi có thể thu lãi khoảng 426.870 đồng. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi cao hơn nhiều so với kết quả điều tra thực tế về thu nhập cận biên trong chăn nuôi lợn thịt tại Quảng Trạch trước khi áp dụng quy trình chăn nuôi được hoàn thiện (426.870 đồng so với 183.000 đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng). Điều này cho thấy việc áp dụng quy trình kỹ thuật được hoàn thiện đã nâng cao đáng kể hiệu quả chăn nuôi lợn hướng nạc trong nông hộ tại Quảng Trạch

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Kết luận

– Các yếu tố về thức ăn, dịch bệnh, chuồng trại và con giống không phải là các yếu tố hạn chế đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt ở Quảng Trạch. Yếu tố hạn chế năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt ở địa phương là do chế độ nuôi dưỡng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của con vật.

– Việc áp dụng qui trình kỹ thuật mới để nuôi lợn thịt ¾máu ngoại đã nâng cao tốc độ sinh trưởng đàn lợn 34,19% (544,19 g/ngày đêm so với trước đây là 403,12 g/ngày đêm) và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi là 243.870 đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng (426.870 đồng so với trước đây là 183.000 đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng).

Đề nghị

Đề nghị sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Bình công nhận qui trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt ¾máu ngoại đã được hoàn thiện và khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng qui trình kỹ thuật này vào sản xuất trên địa bàn huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nhằm nâng cao khả năng sản xuất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt ¾ máu ngoại phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Kim Đường & Trần Tự Do (2000). Khả năng sinh sản của lợn nái lai F1 và khả năng sản xuất của lợn lai 3/4 máu ngoại ở Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Nông Lâm nghiệp 1998-1999, (2000) 265-272.

2. GenStat VSN International Ltd.Genstat user’s guide. 7th version. VSN International, Wilkinson House, Jordan Hill Road, Oxford, UK2004.

3. Nguyễn Đức Hưng, Phạm Khánh Từ, Nguyễn Minh Hoàn, Giang Thanh Nhã, Nguyễn Văn Phong & Hoàng Nghĩa Duyệt. Kết quả bước đầu nghiên cứu về lợn lai hướng nạc ở Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Nông Lâm nghiệp Trường Đại Học Nông Lâm Huế 1998-1999 (2000) 303-308.

4. Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Minh Hoàn & Lê Đình Phùng. Chọn Giống và Nhân Giống Vật Nuôi. NXB Đại Học Huế, Huế 2006.

5. Hội chăn nuôi Việt Nam. Cẩm nang chăn nuôi lợn. NXB Nông Nghiệp, 2002.

6. Lê Đức Ngoan, Phùng Thăng Long & Lê Đình Phùng. Tình hình chăn nuôi lợn, bò, gà ở các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu khoa học Nông Lâm nghiệp Trường Đại Học Nông Lâm Huế (2002) 260-265.

7. Viện chăn nuôi Việt Nam. Thành phần và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc- gia cầm Việt Nam. NXB Nông Nghiệp, 2001.

Phùng Thăng Long, Hoàng Mạnh Quân, Lê Đình Phùng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here