Bản tin KH&CN: Nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển các mô hình lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; Mã số: DHH2016-02-80.

0
221

Chiều ngày 13/9/2018, tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã diễn ra buổi nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng và các nhà chuyên môn đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài với kết quả xếp loại: TỐT.

  1. Thông tin chung:

1.1. Tên đề tài: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển các mô hình lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

1.2. Mã số: DHH2016 – 02 – 80

1.3. Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Quang Vĩnh

Tel: 0914044322, Email: lequangvinh@huaf.edu.vn

1.4. Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Nông Lâm Huế

1.5. Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017

  1. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu chung

Đánh giá được hiện trạng  nhằm đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các mô hình lâm sản ngoài gỗ ở huyện A lưới

 2.2. Mục tiêu cụ thể

– Đánh giá hiện trạng khai thác, tiêu thụ và phát triển lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới

– Đúc rút bài học kinh nghiệm về xây dựng, phát triển các mô hình lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới

– Đề xuất các giải pháp phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  1. Tính mới và sáng tạo:

Đây là nghiên cứu mới cho thấy rõ những tác động của việc khai thác lâm sản ngoài gỗ và những biến động của thị trường ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ ở huyện A Lưới.

Đề tài đã làm rõ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án về phát triển lâm sản ngoài gỗ và thông qua việc điều tra, khảo sát và tiến hành thử nghiệm các mô hình để đánh giá được khả năng phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn.

Qua phân tích điều kiện thực tế tại địa phương, đề tài đã đề xuất được các giải pháp nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  1. Kết quả nghiên cứu thu được
  • Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ở huyện A Lưới khá đa dạng, có 4 nhóm sản phẩm LSNG người dân thường hay khai thác: Nhóm lương thực, thực phẩm và chăn nuôi; nhóm vật liệu thủ công mỹ nghệ; nhóm dược liệu và nhóm cây cảnh. Trong đó, nhóm vật liệu thủ công mỹ nghệ (mây, lá nón, đót,…) người dân thường khai thác với số lượng lớn để bán ra thị trường nên bị suy giảm nhiều về trữ lượng.
  • Thu nhập từ LSNG đã đóng góp thêm cho kinh tế gia đình của người dân thu hái LSNG ở một số xã của huyện A Lưới như Hồng Bắc, A Roàng, Hồng Hạ (chiếm 13,9 – 15,8% trong cơ cấu thu nhập các hộ có nguồn thu từ LSNG), bổ sung cho việc chi tiêu trong đời sống hàng ngày của người dân.
  • Chính quyền các cấp ở huyện A Lưới chưa có sự quan tâm đến nguồn tài nguyên LSNG, chưa tiến hành điều tra, quy hoạch tổng thể để có giải pháp bảo tồn và phát triển LSNG trên địa bàn. Mặt khác vẫn để tình trạng khai thác LSNG tự do, mua bán tự do, chưa có biện pháp quản lý hợp lý.
  • Người khai thác LSNG ít chú ý đến quy cách sản phẩm, chế biến sản phẩm nên nên giá bán không cao. Các sản phẩm LSNG khai thác bán ra thị trường theo các kênh tiêu thụ khác nhau, phần lớn các sản phẩm bán qua các khâu trung gian (qua người thu gom, đến tư thương rồi mới đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp) nên thường bị ép giá. Do vậy cần có cơ chế quản lý thị trường thích hợp bảo đảm lợi ích cho người khai thác, đồng thời ổn định được thị trường tiêu thụ LSNG.

– Trên địa bàn có các chương trình, dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển LSNG: Dự án WWF kết hợp với chương trình 147 đã hỗ trợ các xã trồng được 800,77 ha Bời lời và Mây nước, Dự án BCC đã hỗ trợ trồng được 1.100 ha lâm sản ngoài gỗ (90% mây nước và 10% cây Ba kích). Diện tích trồng mây nước phần lớn trồng dưới tán rừng do cộng đồng quản lý và bảo vệ, Bời lời đỏ được trồng trên diện tích đất của các hộ gia đình, diện tích khoảng từ 0,5 – 2,0 ha

– Mô hình trồng LSNG tự phát thường là các mô hình nhỏ lẻ như trồng tre lấy măng, trồng lồ ô, nhưng đáng chú ý nhất là mô hình trồng Đoác tại vườn nhà thuộc xã A Ngo có 13 hộ trồng cây Đoác và cây Đùng đình với tổng diện tích khoảng 1,0 ha.

– Các cây LSNG ở các chương trình, dự án có tỷ lệ sống cao (riêng cây mây nước trồng trong các mô hình thử nghiệm cho thấy tỷ lệ sống có thể trên 95%). Cây Bời lời đỏ sinh trưởng tốt nhất ở xã Hồng Thủy, các xã khác sinh trưởng kém hơn do điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp. Cây mây nước đều sinh trưởng tốt dưới tán rừng tự nhiên trong điều kiện có bón phân, chăm sóc tốt (phát dọn thực bì, vệ sinh rừng), sinh trưởng kém khi khâu chăm sóc không thực hiện đúng theo quy trình. Các mô hình trồng cây Đoác, cây Đùng đình trong các vườn hộ cho thấy cây sinh trưởng tốt, cho sản phẩm mặc dù điều kiện sống có khác so với trong rừng

– Về hiệu quả kinh tế: Các cây trồng trong mô hình đang sinh trưởng tốt và bước đầu mang lại lợi nhuận cho người dân. Cây Bời lời đỏ trồng ở Hồng Thủy sau sáu năm đã có thể khai thác. Theo dự tính mô hình Bời lời đỏ ở chu kỳ 1 lãi ròng gần 10 triệu ha/ha/năm, mô hình Đoác có lãi ròng >120 triệu  đồng/ha/năm. Riêng mô hình mây nước tuy cho lợi nhuận không cao (6.399.600 đồng/ha/năm), nhưng sẽ đảm bảo nguồn thu nhập lâu dài cho người dân.

– Về hiệu quả xã hội, sinh thái môi trường: Các mô hình đã góp phần giải quyết việc làm, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Các cây trồng trong các mô hình đều có độ che phủ lớn đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn sinh thái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

– Đề tài cũng đã đề xuất các giải chung nhằm quản lý tốt việc khai thác, tiêu thụ và phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ và các giải pháp cụ thể cho từng  mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn

  1. Các sản sản phẩm của đề tài:

5.1. Sản phẩm khoa học: 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5.2. Sản phẩm đào tạo: 01 luận văn thạc sĩ, 04 khóa luận tốt nghiệp đạt từ loại giỏi trở lên.

5.3. Sản phẩm ứng dụng: 01 bản kiến nghị (phổ biến kiến thức), 01 báo cáo tổng kết

5.3. Sản phẩm khác: 01 videoclip về kỹ thuật trồng và chăm sóc mây dưới tán rừng

  1. Các đóng góp, khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả

Cung cấp thông tin qua video, bài báo, bản kiến nghị (phổ biến kiến thức) và báo cáo tổng kết có hàm lượng khoa học cho sinh viên đại học chuyên ngành lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng và những người quan tâm đến lâm sản ngoài gỗ tham khảo.

Kết quả nghiên cứu bao gồm tư liệu hữu ích và mô hình thực nghiệm chuyển giao cho người dân, các ban ngành có liên quan tại địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển về lâm sản ngoài gỗ.

Để biết thêm chi tiết về nghiên cứu và thảo luận hợp tác phát triển KHCN từ đề tài, xin liên hệ Phòng KHCN-HTQT, Đại học Nông Lâm – ĐHH qua email: khcn-htqt@huaf.edu.vn hoặc điện thoại 0234.3537292

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here