Trường ĐHNL: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2012

Theo thông báo số 48/VP ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Quỹ hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), có 41 công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2012, trong đó trường Đại học Nông Lâm Huế có 01 công trình đoạt giải Ba: Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản tươi chuối tiêu Nam Đông, Thừa Thiên Huế của tác giả TS. Nguyễn Văn Toản- Khoa Cơ khí Công nghệ.

Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2012 diễn ra vào ngày 23 tháng 03 năm 2013 tại Hà Nội.

BẢN TÓM TẮT GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH

1.Tên công trình

Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản tươi chuối tiêu Nam Đông, Thừa Thiên Huế.

2. Chủ nhiệm công trình: TS. Nguyễn Văn Toản, Khoa Cơ Khí – Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế.

Điện thoại: CQ: 0543. 514294. Di động: 0905156262.

Email: toanbq@yahoo.com.

Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế.

3. Cộng sự tham gia:

3.1. Ths. Nguyễn Văn Huế: cộng sự

3.2. Ths. Nguyễn Thị Vân Anh: cộng sự

3.3. Ths. Nguyễn Quốc Sinh: cộng sự

3.4. Ks. Tống Thị Quỳnh Anh: cộng sư

3.5. Ks. Nguyễn Thị Diễm Hương: cộng sự

4. Tóm tắt nội dung công trình

4.1.Tính mới

– Lần đầu tiên ở nước ta, ứng dụng thành công chất kháng etylen AVG vào giai đoạn cận thu hoạch chuối tiêu để điều tiết sinh tổng hợp etylen nội bào nhằm kéo dài thời gian chín sau thu hoạch.

– Khẳng định quy chuẩn về mặt sinh lý để đánh giá độ chín thu hoạch của chuối tiêu dựa trên các chỉ tiêu: độ cứng, màu sắc, khối lượng (quả, ruột quả), chiều dài và đường kính quả.

– Đã phát hiện được cường độ sản sinh etylen bị kìm hãm sau khi tiến hành điều tiết bằng AVG ở giai đoạn cận thu hoạch và đồng thời cũng phát hiện các biến đổi về sinh lý của chuối tiêu (độ cứng, cường độ màu) không thay đổi so với quả chín tự nhiên. Phát hiện này đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo chín sinh học tự nhiên của chuối tiêu sau khi thực hiện giải pháp công nghệ điều tiết nội enzym ACC oxydase.

– Đề xuất mới quy trình bảo quản chuối tiêu sau thu hoạch với sự hiện diện của AVG giai đoạn cận thu hoạch đã mang lại hiệu quả kéo dài thời gian chín của chuối nhưng không làm thay đổi chỉ tiêu chất lượng của chuối chín.

4.2. Tính sáng tạo

Tổng quan các vấn đề nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về lĩnh vực bảo quản rau quả tươi nói chung và chuối nói riêng. Các công trình chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật như: bảo quản lạnh, bảo quản bằng hóa chất hoặc sử dụng một số phương pháp kết hợp giữa bảo quản bằng môi trường khí quyển cải biến và sử dụng các chế phẩm sinh học để ức chế quá trình chín rau quả. Đề tài đã đi sâu vào nghiên cứu và phát hiện bản chất của quá trình sinh tổng hợp etylen liên quan đến sự chín của rau quả và đề xuất thành công quy trình công nghệ mới về bảo quản tươi chuối tiêu nhằm mục đích kéo dài thời hạn bảo quản sau thu hoạch.

4.3. Hiệu quả của đề tài

4.3.1. Hiệu quả kinh tế

Việc áp dụng các kết quả đạt được của đề tài vào thực tế sản xuất đã cho thấy: 1 ha trồng chuối sau khi thu hoạch và xử lý theo công nghệ mới về bảo quản thì hiệu quả kinh tế đem lại đã tăng lên khoảng 11.960.000 đồng. Do đó, nếu đề tài được đưa vào ứng dụng dưới dạng dự án sản xuất cho các huyện vùng cao, vùng xa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao.

4.3.2. Hiệu quả kỹ thuật

– Đưa ra các số liệu thực nghiệm mang giá trị ứng dụng thực tiễn cao trên lĩnh vực điều tiết sinh tổng hợp etylen nhằm kéo dài thời gian bảo quản của chuối tiêu sau thu hoạch.

– Đề xuất mới quy trình công nghệ bảo quản tươi chuối tiêu với mục đích kéo dài thời gian bảo quản chuối tiêu sau thu hoạch lên 46 ngày so với 8 ngày khi bảo quản theo phương pháp truyền thống hiện nay của địa phương.

4.3.3. Hiệu quả xã hội

– Các kết quả nghiên cứu đạt được của đề tài sẽ giải quyết những vấn đề bức thiết và lâu dài về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của rau quả nói chung và chuối tiêu nói riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung và cả nước. Bên cạnh đó, đề tài đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho nông dân tại địa phương.

– Đề tài đã góp phần đào tạo thành công 4 kỹ sư ngành Bảo quản và Chế biến Nông sản Thực phẩm, 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật chuyên ngành Công nghệ thực phẩm và đồ uống và chuyển giao mô hình bảo quản chuối tươi tại Nam Đông, Thừa Thiên Huế.

– Đề tài góp phần nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học công nghệ không những cho các cán bộ của địa phương mà còn nâng cao nhận thức về chương trình quốc gia trong lĩnh vực chế biến và bảo quản các loại nông sản, thực phẩm trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên.

4.3.4. Khả năng áp dụng của đề tài

Kết quả đạt được của đề tài có khả năng ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Các thao tác trong quy trình công nghệ bảo quản tươi chuối tiêu dễ sử dụng, nguyên nhiên vật liệu dễ kiếm và giá thành không lớn.