Nhóm nghiên cứu mạnh với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động cốt lõi của giáo dục đại học. Chính vì vậy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu nói chung và nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) nói riêng đóng vai trò rất quan trọng và quyết định sự thành công, vị thế của trường đại học.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các nghiên cứu liên ngành được thúc đẩy, vai trò của các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành ngày càng trở nên quan trọng, giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu, tác động tích cực đến hoạt động đào tạo, cả người dạy và người học.

Trong những năm gần đây, Đại học Huế (ĐHH) nói chung Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL) nói riêng luôn có cơ chế  khuyến khích các giảng viên hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh cũng như thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp Trường, Đại học Huế, Bộ, Quốc gia… đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp giảng viên hình thành tốt nhất những ý tưởng, nghiên cứu, có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả.

Đến nay, Nhà trường đã thành lập được 9 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Huế (trong đó có 02 nhóm đã nghiệm thu được hội đồng chuyên môn đánh giá tốt, nhóm NCM do GS.TS. Trần Đăng Hòa và nhóm NCM do PGS.TS. Trương Văn Tuyển chủ trì) và 05 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Trường. Nhà trường đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-ĐHNL về việc Quy định tổ chức và hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh cấp Trường ĐHNL, ĐHH. Trong đó, nhóm nghiên cứu mạnh cấp trường được khái niệm là tập thể các nhà khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn chuyên sâu hoặc liên ngành để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, có khả năng xuất bản quốc tế, tạo ra sản phẩm sở hữu trí tuệ, sản phẩm ứng dụng có thể thương mại hóa, chuyển giao tạo nguồn thu và hỗ trợ đào tạo nghiên cứu sinh. Điểm nhấn của NCM là đào tạo NCS, xuất bản quốc tế và sản phẩm sở hữu trí tuệ.

Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong Nhà trường đóng vai trò tất yếu, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của Nhà trường, nhằm khằng định Trường ĐHNL, ĐHH là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáng tin cậy.

DANH MỤC NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CẤP TRƯỜNG
STT Tên nhóm nghiên cứu Trưởng nhóm Mã số 
1 Nghiên cứu giống cây trồng tại khu vực miền Trung PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi NCM.ĐHNL.2021.01
2 Nghiên cứu chế tạo vật liệu nano ứng dụng trong thực phẩm và nông nghiệp TS. Võ Văn Quốc Bảo NCM.ĐHNL.2021.02
3 Hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám và nông nghiệp chính xác TS. Phạm Hữu Tỵ NCM.ĐHNL.2021.03
4 Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn, kháng nấm của Streptomyces và bước đầu tạo chế phẩm sinh học có tiềm năng ứng dụng trong bảo quản trái cây PGS.TS. Nguyễn Hiền Trang NCM.ĐHNL.2021.04
5 Nghiên cứu chuỗi giá trị nông sản và quản trị tài nguyên bền vững TS. Hoàng Dũng Hà NCM.ĐHNL.2021.05

 

DANH MỤC NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CẤP ĐẠI HỌC HUẾ
STT Tên nhóm nghiên cứu Trưởng nhóm Mã số 
1 Môi trường và chất lượng sản phẩm chăn nuôi (APQE) GS.TS. Lê Đức Ngoan NCM.DHH.2018.04
2 Liên kết giữa năng lực chống chịu, tham gia thị trường và chuyển đổi sinh kế của người dân trước các sự cố bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường vùng ven biển miền Trung Việt Nam (Chuyển đổi sinh kế) PGS.TS. Trương Văn Tuyển NCM.DHH.2018.05
3 Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học sản xuất nông nghiệp an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu GS.TS. Trần Đăng Hòa
4 Phát triển bền vững sinh kế nông hộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập thị trường quốc tế (SUSLIV) PGS.TS. Lê Thị Hoa Sen NCM.DHH.2019.02
5  Công nghệ cao trong trồng trọt (TCP) PGS.TS. Lê Như Cương NCM.DHH.2019.03
6 Bảo tồn và phát triển tài nguyên dược liệu và lâm sản ngoài gỗ TS. Trần Minh Đức NCM.DHH.2019.04
7 Quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững GS. TS. Hoàng Thị Thái Hòa NCM.DHH2020.07
8 Nghiên cứu sử dụng nguồn protein không truyền thống làm thức ăn và xử lý chất thải chăn nuôi PGS.TS. Trần Thị Thu Hồng NCM.DHH2020.08
9 Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học sản xuất nông nghiệp an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu hậu (BIOAGRO) GS.TS. Trần Đăng Hòa NCM.DHH2020.14

 

Nghiệm thu nhóm nghiên cứu mạnh do GS.TS. Trần Đăng Hoà làm chủ trì, với đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học sản xuất nông nghiệp an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu”.