Bản tin KH&CN: Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng Aminoethoxyvinylglycine (AVG) trong bảo quản quả bơ sau thu hoạch”; Mã số: B2018-DHH-62

Ngày 21/08/2020, Trường Đại học Nông Lâm, ĐH Huế đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng Aminoethoxyvinylglycine (AVG) trong bảo quản quả bơ sau thu hoạch” theo quyết định số 1171/QĐ-ĐHNL, Hội đồng nghiệm thu (Hội đồng) có 07 thành viên do PGS.TS. Trần Thanh Đức làm Chủ tịch.

Tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Nguyễn Văn Toản, thay mặt Nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo Nhóm nghiên cứu, kết quả của đề tài đã xác định được độ chín thu hoạch phù hợp nhất đối với quả bơ Booth 7 trồng tại tỉnh Đắk Lắk là từ ngày thứ 240 – 250 sau khi nở hoa. Đã xác định được các chỉ tiêu chất lượng chính như: hàm lượng lipid tổng số, vitamin C, nồng độ chất khô hòa tan và acid tổng số của quả bơ chín truyền thống và quả bơ được xử lý AVG (nồng độ 430 ppm, thời gian 6 phút) kết hợp bao gói (LDPE 40 µm), bảo quản được 36 ngày ở nhiệt độ 8oC, độ ẩm 80 – 90%.

PGS. TS. Nguyễn Văn Toản trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài

Đánh giá kết quả đạt được, Hội đồng cho rằng Đề tài có có tính khoa học và thực tiễn cao. Đề tài đã làm rõ một số vấn đề về ứng dụng AVG kết hợp bao bì trong việc điều tiết quá trình sinh tổng hợp ethylene nội bào nhằm duy trì chất lượng, giảm tỷ lệ hư hỏng và kéo dài thời gian bảo quản quả bơ Booth 7 sau thu hoạch.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao đã áp dụng vào các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Đạt.