Bản tin KH&CN: Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “ Nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học phòng trị bệnh Suyễn lợn do Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra”; Mã số: B2018-DHH-65

Ngày 20/08/2020, Trường Đại học Nông Lâm, ĐH Huế đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học Nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học phòng trị bệnh Suyễn lợn do Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra” theo quyết định số 1170/QĐ-ĐHNL, Hội đồng nghiệm thu (Hội đồng) có 07 thành viên do GS.TS.  Lê Đức Ngoan làm Chủ tịch.

Tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Phùng Thăng Long, thay mặt Nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Kết quả của đề tài đã tối ưu được các điều kiện nuôi cấy để sản xuất protein kháng nguyên P97R1R2 và P102. Ngoài ra, đã chế tạo được chế phẩm bột lòng đỏ trứng gà chứa kháng thể kháng nguyên P97R1R2 và P102 có độ đặc hiệu, tính an toàn cao với động vật thí nghiệm. Sau khi đông khô, mỗi quả trứng cho 5-6 g bột lòng đỏ, trong 1 g bột lòng đỏ chứa không dưới 10 mg kháng thể. Với liều lượng bổ sung từ 0,1-0,2 % trong thức ăn cho lợn, buớc đầu cho thấy hiệu quả trong phòng và trị bệnh suyễn lợn do Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra.

PGS.TS. Phùng Thăng Long trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài
Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, GS.TS. Lê Đức Ngoan, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu, kết quả của Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Kháng thể lòng đỏ có giá thành sản xuất hợp lý, dễ sử dụng, có độ an toàn và tính đặc hiệu cao, tạo được đáp ứng miễn dịch nhanh. Chế phẩm của đề tài đã được ứng dụng tại điểm nghiên cứu, góp phần thay đổi kháng thể kháng sinh trong phòng trị bệnh suyễn ở lợn do MH gây ra, nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn an toàn. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Đạt.